Thái Lan, Indonesia trải thảm đỏ ưu ái xe điện, qua mặt Việt Nam

13/07/2021 08:35
Báo cáo chung về chính sách cho ô tô điện của liên Bộ Công Thương và Tài chính chỉ rõ Việt Nam chưa có ưu đãi cụ thể. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia đã ban hành chính sách từ các năm trước.

Báo cáo chung về chính sách cho ô tô điện của liên Bộ Công Thương và Tài chính chỉ rõ Việt Nam chưa có ưu đãi cụ thể. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia đã ban hành chính sách từ các năm trước.

Cụ thể, năm 2016, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra lộ trình chung để phát triển xe điện (EV) và phê duyệt kế hoạch ưu đãi thuế đối với sản xuất xe điện. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2036 tăng số lượng ô tô điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc hoạt động trên cả nước.

Thái Lan, Indonesia muốn là công xưởng xe điện ASEAN

Theo kế hoạch, các dự án đầu tư sản xuất xe động cơ hoàn toàn bằng điện (BEV) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 đến 8 năm. Các nhà sản xuất xe lai sạc điện (PHEV) được hưởng ưu đãi ít hơn. Còn các nhà sản xuất các linh kiện chính cho BEV sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thêm một năm đối với mỗi linh kiện, tối đa không quá 6 năm.

Thái Lan, Indonesia trải thảm đỏ ưu ái xe điện, qua mặt Việt Nam

Thái Lan, Indonesia đặt tham vọng năm 2030-2035 sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu và châu Á (Ảnh minh họa Reuters).

Các dự án đầu tư sản xuất xe điện kết hợp xăng (HEV) sẽ được chính phủ nước này miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị liên quan. Với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, để khuyến khích phát triển xe điện, Thái Lan áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với HEV là 2% (trước đây là 10%); với xe hybrid và PHEV cũng được giảm, phụ thuộc vào mức độ phát thải; các doanh nghiệp phụ trợ xe điện cũng được giảm thuế, miễn thuế trong 8 đến 10 năm. 

Từ năm 2016, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã phê duyệt 24 dự án của các nhà sản xuất ô tô để sản xuất xe điện các loại với tổng công suất trên 500.000 chiếc mỗi năm. Trong đó, Nissan và Honda, Nissan đầu tư 325 triệu USD sẽ sản xuất xe HEV; Honda đầu tư 174 triệu USD sản xuất xe HEV và pin cho xe HEV. Toyota Motor (Thái Lan) đã đầu tư khoảng 570 triệu USD để thiết lập nhà máy sản xuất pin cho xe HEV từ năm 2020; Mercedes và BMW cũng đều thiết lập cơ sở sản xuất, với mức đầu tư khoảng 18 triệu USD và 21 triệu USD tương ứng, để sản xuất xe HEV, xe PHEV và xe BEV...

Một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chính sách xe điện cực kỳ ưu đãi là Indonesia. Tháng 8/2019, Tổng thống Indonesia ban hành Sắc lệnh số 55 về Chương trình tăng tốc phát triển xe điện cho giao thông đường bộ ("PR 55/2019") với ưu đãi đặc biệt cho xe điện nội địa hóa.

Chính phủ Indonesia bắt buộc thực hiện dần dần yêu cầu về hàm lượng nội địa cho ngành xe điện. Cụ thể, giai đoạn 2022 đến 2023, tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu hơn 40%, giai đoạn 2024 đến 2029 tối thiểu 60%, sau năm 2030, tối thiểu 80%.

Tháng 6/2019, hãng Toyota công bố kế hoạch sản xuất xe điện tại Indonesia trong vòng 4 năm và cam kết rót khoảng 2 tỷ USD để triển khai sản xuất xe hybrid (HEV) dành cho thị trường Indonesia và hướng xuất khẩu.

Tháng 12/2018, hãng Hyundai công bố khoản đầu tư trị giá 880 triệu USD cho việc sản xuất hơn 250 triệu chiếc xe điện tại đây. 

Cường quốc Trung Quốc, Nhật và Mỹ không đứng ngoài cuộc

Tại Trung Quốc, để đối phó với các thách thức về năng lượng và môi trường, trong lĩnh vực ô tô, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang xe tiết kiệm năng lượng như ô tô sử dụng nhiên liệu thay thế, xe hybrid, và xe điện và khuyến khích sản xuất pin nhiên liệu.

Thái Lan, Indonesia trải thảm đỏ ưu ái xe điện, qua mặt Việt Nam

Các mẫu xe điện cỡ nhỏ đang được đầu tư và phát triển mạnh tại khắp nơi trên thế giới (Ảnh minh họa)

Ngay từ năm 2012, Chính phủ nước này thông báo mục tiêu sản xuất và doanh số của xe điện và xe hybrid là trên 500.000 xe vào năm 2015 và trên 5 triệu xe vào năm 2020.

Và để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã đưa xe điện, cùng các linh kiện như pin, động cơ, bộ truyền động xe điện vào danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư.

Vì thế, đến đầu năm 2019, Tesla khởi công nhà máy sản xuất xe điện trị giá 5 tỷ USD tại Thượng Hải, Trung Quốc. Giai đoạn đầu, cơ sở này có thể sản xuất 250.000 xe mỗi năm, gồm các dòng Model 3 và Model Y. Sau đó, công suất của nhà máy có thể tăng lên gấp đôi và xe điện từ Trung Quốc hiện được xuất đi châu Á và châu Âu.

Nhật Bản, cường quốc sản xuất xe hàng đầu thế giới, trong những năm qua đã đẩy mạnh việc sử dụng và phát triển xe hybrid (HEV) và nghiên cứu sâu hơn về các dòng xe sử dụng nguồn năng lượng bằng khí hydro (FCEV).

Đối với Mỹ, theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, chính quyền liên bang của Mỹ hiện áp dụng chính sách tín dụng thuế đối với người mua mới xe hybrid hoặc xe điện với mức tín dụng từ 2.500 USD đến 7.500 USD tùy theo dung lượng pin.

Các nhà cung cấp các dịch vụ liên quan cũng áp dụng nhiều chính sách để khuyến khích việc sử dụng xe hybrid và xe điện như giảm giá điện cho việc sạc pin, giảm chi phí mua bảo hiểm xe.

Chính quyền của 26 bang đã áp dụng chính sách ưu đãi (miễn/giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, khấu trừ thuế, hoàn tiền, giảm phí đăng ký, giảm phí đỗ xe, hỗ trợ việc lắp đặt các trạm sạc điện…) nhằm khuyến khích việc mua và sử dụng xe hybrid và xe điện…

Theo Nguồn dantri.com.vn

Thái Lan, Indonesia trải thảm đỏ ưu ái xe điện, qua mặt Việt Nam - Công Nghệ