Những năm gần đây, người dân ở một số xã tại huyện Hữu Lũng đã đưa cây na sầu riêng vào trồng. Cùng với đó, các hộ dân đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật ghép cây.
Tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung diễn ra vào tháng 11/2022, nhiều khách tham quan ngạc nhiên khi đến với gian hàng đặc sản của huyện Hữu Lũng. Tại gian hàng này bày một loại quả mới, giống quả na dai nhưng có trọng lượng lớn hơn và hình thù tương đối giống với quả sầu riêng, vỏ sáng màu, nhiều gai nhọn. Loại quả này có giá tới 350.000 đồng/kg. Đây chính là na sầu riêng, một loại na giống mới được nông dân huyện Hữu Lũng trồng thử nghiệm thành công.
Quả na sầu riêng được trưng bày tại Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung (năm 2022) thu hút đông đảo khách tham quan
Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng cho biết: Na sầu riêng là giống cây có nguồn gốc từ Đài Loan, được nông dân trên địa bàn huyện đưa về trồng từ năm 2020. Quá trình sinh trưởng và phát triển của loại cây này tương tự cây na dai. Tuy nhiên, thời điểm ra hoa đậu quả của loại cây này muộn hơn na dai khoảng 2 tháng, quả na sầu riêng có trọng lượng tương đối lớn (từ 1 – 2,5 kg/quả). Quả khi chín có vị ngọt đậm, ít hạt, thịt nhiều, mọng nước, có mùi thơm thoang thoảng của sầu riêng. Loại quả này hiện có giá trị kinh tế rất cao nên đang được bà con trên địa bàn huyện nhân rộng trong sản xuất.
Tìm hiểu được biết, cây na sầu riêng phù hợp với nhiều loại đất nhưng phát triển tốt nhất ở những nơi có khả năng thoát nước tốt. Đối với khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như tỉnh Lạng Sơn, na sầu riêng có thể trồng vào mùa xuân. Trong quá trình canh tác, cây cần được cung cấp đầy đủ nước nhất là vào giai đoạn ra hoa, tạo quả. Là giống cây nhiệt đới nên na sầu riêng sinh trưởng và phát triển mạnh khi có đủ ánh sáng và nhiệt độ thích hợp từ 25 đến 32 độ C. Khi nhiệt độ xuống thấp như những tháng mùa đông tại Lạng Sơn cây sẽ phát triển chậm lại, quả na lâu chín; nhiệt độ cao sẽ làm quả nhanh chín, dễ thối nếu không thu hoạch kịp thời. Đặc điểm này của giống na sầu riêng lại chính là điều kiện thuận lợi đối với nông dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng bởi thời điểm thu hoạch na kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời gian có nền nhiệt thấp, quả na chín từ từ. Như vậy nông dân có thể canh tác rải vụ, ổn định về đầu ra.
Hiện na sầu riêng đang được trồng tập trung tại các xã: Yên Sơn, Yên Vượng, Cai Kinh của huyện Hữu Lũng với diện tích khoảng 5 ha. Bên cạnh việc nhập cây con về trồng, nông dân trên địa bàn huyện đã làm chủ kỹ thuật ghép đoạn cành. Theo đó, những cành na sầu riêng đầu dòng được nông dân nhập về và tiến hành phân nhỏ, ghép lên những gốc na dai sẵn có trong vườn nhà. Sau khi ghép cành, bà con cắt bỏ hoàn toàn những cành thừa để cây tập trung nuôi dưỡng cành ghép. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, chỉ vài tháng sau khi tiến hành ghép cây và chăm sóc, nông dân đã bắt đầu được thu hoạch những quả na đầu tiên.
Ông Lê Đức Hải, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2021, tôi nhập giống na sầu riêng về trồng thử, lúc đầu trồng cây con, thời gian sinh trưởng kéo dài, cây chưa cho quả ngay. Sau khi nghiên cứu, học tập kỹ thuật, tôi đã nhập cành na sầu riêng đầu dòng và tiến hành ghép lên hơn 1.000 gốc na của gia đình. Ngay trong năm 2022, gia đình tôi đã thu hoạch hơn 4 tạ quả na sầu riêng với trọng lượng từ 0,8 đến 1,5 kg/quả. Hiện giá bán tùy thuộc vào khối lượng quả, dao động từ 200.000 – 350.000 đồng/kg. Ngay khi chuyển sang giống na này tôi đã tiến hành canh tác theo hướng nông nghiệp tốt, hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ, dùng các chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho cây nhằm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng, hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi và đưa ra đánh giá cụ thể về năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế đem lại của cây na sầu riêng. Đơn vị cũng đang nghiên cứu quy trình thâm canh loại cây ăn quả này, đồng thời phối hợp với UBND một số xã có điều kiện canh tác phù hợp từng bước đưa giống cây này vào làm cây trồng chủ lực nhằm giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.