Làm gì trước nỗi lo mạng xã hội “đầu độc” trẻ nhỏ?

03/01/2023 10:54
Bố mẹ nên đồng hành, giúp con làm rèn luyện bản thân cũng như phân biệt đúng sai, những trường hợp nào nên làm, không nên làm trên mạng xã hội.

 

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và mạng Internet đã tác động vào mọi mặt đời sống xã hội và ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người chúng ta. Trong đó trẻ em ngày càng tiếp cận nhiều với không gian mạng và là những đối tượng mong manh dễ bị tổn thương nhất.

Theo một số chuyên gia thì để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của trẻ em thì hiện nay, mỗi gia đình, nhà trường cũng như địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho các em nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng.

Người lớn cần hướng dẫn cho các em hiểu rõ về các trang mạng, thấy được những tiện ích và hạn chế của nó để chủ động tham gia và sử dụng một cách tích cực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho học tập và giải trí.

Làm gì trước nỗi lo mạng xã hội “đầu độc” trẻ nhỏ?

Trẻ em học tập, giải trí trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) thừa nhận hiện nay các thông tin trên mạng xã hội mang lại mặt tích cực, cơ hội cho trẻ học tập, giao lưu cũng như vui chơi nhưng cũng có nội dung xấu độc, không phù hợp với trẻ gây hại cho trẻ trên môi trường mạng gây ảnh hưởng thể chất, tình cảm, tâm lý, sự phát triển của trẻ.

“Những nội dung xấu độc vượt quá giới hạn ở độ tuổi của trẻ, cũng có những video phản cảm vi phạm pháp luật, với những video đó trẻ em vô tình bị lôi kéo tiếp cận.

Khi các em chưa có kỹ năng cũng như tư duy phản biện thì những clip xấu độc đó sẽ vô tình làm trẻ nhận thức sai vấn đề, gây ảnh hưởng đến trẻ như tạo ra nỗi sợ tâm lý hay ảnh hưởng phát triển của trẻ em”, bà Linh nói.

Có nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi trẻ tiếp cận với những video xấu độc khiến trẻ có thể bị stress, trầm cảm, thậm chí nguy hại hơn là có những trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. Như vậy rõ ràng việc tiếp cận thông tin không phù hợp trên không gian mạng về lâu dài ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ.

Trước đó, dư luận cũng được một phen hoang mang khi một bé gái 5 tuổi ở TP.HCM đã tử vong vì bắt chước video tự tử trên mạng xã hội.

Nói về sự việc này, bà Linh cho biết: “Đó là câu chuyện rất thương xót và đáng tiếc. Trước những nguy hại trên mạng xã hội, đa số bố mẹ có con ở độ tuổi nhỏ không cho con dùng mạng xã hội nhưng các con sinh ra trong môi trường số nên việc cẩm cản trẻ dùng mạng xã hội là không hợp lý.

Vì thế tôi khuyên phụ huynh, với trẻ dưới 6 tuổi chưa đủ khả năng phân biệt đúng sai, phải trái thì nên dùng phần mềm chọn lọc như dùng Youtube Kids; hay với trẻ dưới 3 tuổi thì không nên cho con tiếp xúc với môi trường mạng để con có thời gian vui chơi, cũng như vận động.

Dù ở độ tuổi nào thì quan trọng là bố mẹ phải đồng hành để con làm rèn luyện bản thân cũng như phân biệt đúng sai, những trường hợp nào nên làm, không nên làm trên mạng xã hội”, bà Linh nói.

Trước tình huống nhiều cha mẹ lúng túng không biết quản lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội thế nào là hợp lý, bà Linh đưa ra lời khuyên: "Muốn con giảm tiếp cận thông tin xấu độc, bố mẹ nên để ý trong phần hướng dẫn an toàn của các ứng dụng trên không gian mạng luôn có thao tác có thể giảm thông tin xấu độc trước khi cài đặt. Ngoài ra, khi phụ huynh không ngăn chặn hết được thì phải đồng hành, chia sẻ về những rủi ro trên môi trường mạng cùng con nếu không may con gặp phải".

Làm gì trước nỗi lo mạng xã hội “đầu độc” trẻ nhỏ?

Học sinh cần được hướng dẫn các kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn. (Ảnh minh họa)

Theo bà Linh, nhiều cha mẹ thích khoe hình ảnh của con trên không gian mạng cũng có thể gây ra những nguy hại, rủi ro cho con, nhất là khoe hình ảnh khỏa thân của con, bởi vì chính từ bài đăng công khai của cha mẹ trên môi trường mạng, một số đối tượng có thể sử dụng hình ảnh ấy của con cho những mục đích xấu.

Cuối cùng, bà Linh khẳng định, trẻ em luôn phải được bảo vệ tốt nhất, không chỉ là vấn đề thân thể mà phải bảo vệ các em trước sự tác động của các thông tin độc hại, nhất là khi trẻ có thể tiếp cận các thông tin trên internet từ khi còn rất nhỏ.

Hoàng Thanh

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Làm gì trước nỗi lo mạng xã hội “đầu độc” trẻ nhỏ? - Công Nghệ