Nghiên cứu khoa học 'Tiền có mua được hạnh phúc' gây sốc

23/03/2023 10:16
Tranh cãi "Tiền có mua được hạnh phúc hay không" dường như là chủ đề chưa bao giờ kết thúc.

 

Nghiên cứu khoa học 'Tiền có mua được hạnh phúc' gây sốc

Ảnh minh hoạ: Pexels

Trrước khi có tiền, bạn thường nghe câu nói "Tiền không mua được hạnh phúc". Sau khi có tiền, bạn nhận ra rằng tiền giúp loại bỏ rất nhiều căng thẳng, mệt mỏi đè nặng trên vai trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc bạn có được hạnh phúc.

Tiền cho phép mọi người có cơ hội để theo đuổi những thứ mình yêu thích, điều này có thể dẫn đến hạnh phúc. Nhưng vẫn không thể khẳng định tiền có mua được hạnh phúc hay không.

Đứng trên nhiều quan điểm, nhiều ý kiến được đưa ra, có người đồng tình cũng có người không đồng ý và tranh cãi đó vẫn chưa đi đến hồi kết. Các nhà nghiên cứu, nhà tâm lý học, kinh tế học cũng tốn khá nhiều thời gian đi tìm câu trả lời một cách nghiêm túc.

Tiền có mua được hạnh phúc không?

Năm 2010, nhà kinh tế học và tâm lý học Daniel Kahneman từng đoạt giải Nobel đã đưa ra giả thuyết "cao nguyên hạnh phúc" về tiền tệ. Theo đó, khi bạn đạt thu nhập hộ gia đình hàng năm là 75.000 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng) thì chuyện kiếm thêm nhiều tiền không khiến bạn hạnh phúc hơn.

Đến năm 2011, nhà nghiên cứu hạnh phúc Matthew Killingsworth công bố kết quả trái ngược, cho rằng hạnh phúc tăng lên cùng với thu nhập và không có bằng chứng về số tiền cụ thể.

Gần đây, 2 chuyên gia này hợp tác trong dự án "đối nghịch" và công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy cả 2 giả thuyết trước của họ đều đúng. Tuy nhiên, Killingsworth vẫn đúng hơn. Đối với hầu hết mọi người, kiếm được nhiều tiền khiến họ hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu mới cho thấy nếu bạn đang cực kỳ bất hạnh, hạnh phúc sẽ tăng lên khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, khi tiền kiếm được vượt qua con số 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) thì cảm giác hạnh phúc sẽ đột ngột chững lại. Đó cũng là lúc phát sinh một số vấn đề mà tiền bạc không thể giải quyết được.

Killingsworth nói: "Đối với những người nghèo, tiền giúp ích cho họ rất nhiều. Nhưng nếu bạn có thu nhập khá mà vẫn đau khổ thì nguồn gốc của nỗi buồn không bắt nguồn từ thứ mà tiền bạc có thể khắc phục".

Đối với những người có cảm xúc "hạnh phúc trung bình", hạnh phúc tăng theo tỷ lệ thuận với tiền kiếm được, nhưng sẽ chậm lại sau mốc 100.000 USD. Đối với những người vốn đã rất hạnh phúc, sau khi đạt 100.000 USD, cảm giác hạnh phúc cũng dễ tăng lên nữa.

Các nhà nghiên cứu hiện không xem xét việc tiền có còn mang lại hạnh phúc đối với những người kiếm được trên 500.000 USD hay không, theo The guardian.

Kết quả nghiên cứu này cũng phần nào nói lên rằng bạn không cần xe thể thao đắt tiền hay máy bay riêng thì mới hạnh phúc. Nhưng bạn vẫn cần nhà để ở, thức ăn để ăn, con cái đi học... Đây vẫn là những điều tiêu tốn khá nhiều tiền trong bối cảnh lạm phát, chi phí nuôi dạy trẻ, tiền nhà tăng cao. Trừ khi bạn là tỷ phú sống trên du thuyền với đầu bếp riêng, vệ sĩ và phục vụ riêng.

CEO Google Sundar Pichai từng nói với tất cả nhân viên của mình rằng niềm vui không phải lúc nào cũng đi cùng tiền bạc.

Theo Marcuslemonis, Hiệp hội Tâm lý Mỹ từng xuất bản bài báo về nghiên cứu do Robert Kenny thực hiện về suy nghĩ của người giàu. Kết quả hé lộ rằng người giàu thừa nhận họ thích có nhiều tiền và hiểu rằng họ may mắn. Nhưng việc giàu có khiến họ bị cô lập, mất đi tình bạn. Trong khi đó, họ vẫn phải vật lộn với các vấn đề nuôi dạy con giống như mọi người.

Hạnh phúc bắt nguồn từ tiền không phải là vĩnh cửu. Một khi bạn cho phép tiền trở thành nguồn hạnh phúc của mình, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Bạn sẽ luôn muốn nhiều hơn, vì những thứ vật chất, của cải mới mẻ sáng bóng lúc đầu sẽ dần trở nên cũ kỹ và bạn lại muốn có cái mới hơn để thay thế.

Trải nghiệm và tận hưởng những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống sẽ lấp đầy trái tim bạn theo cách mà tiền bạc không thể làm được.

Hoàng Dung

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Nghiên cứu khoa học 'Tiền có mua được hạnh phúc' gây sốc - Tri Thức