'Đập keo', nghề của người nghèo

08/02/2023 14:26
Ở nhiều huyện miền núi Hà Tĩnh, nơi có diện tích rừng trồng lớn, thường thấy những nhóm người chặt cây, hì hục bốc lên xe…

 

'Đập keo', nghề của người nghèo

Trung bình, mỗi ngày bóc vỏ keo các chị được trả từ 200 - 300 nghìn đồng.

Đó là những người làm nghề khai thác keo rừng, mà dân địa phương gọi là nghề “đập keo”. Công việc này tuy vất vả nhưng phần lớn lao động lại là phụ nữ.

Lên rừng mưu sinh

Để vượt qua những đoạn đường núi nhấp nhô, ngoằn ngoèo, cánh thợ “đập keo” tại xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) phải đi làm từ khi Mặt trời chưa ló. Lên được khu vực làm keo cũng là lúc mọi người trong nhóm thợ bắt đầu rõ mặt nhau.

Những người làm nghề “đập keo” thường đi theo tổ từ 5 - 10 người. Mỗi tổ sẽ nhận khai thác “trọn gói” cho một chủ keo. Trong khi cánh đàn ông mang máy cưa đảm đương việc cắt tỉa, vận chuyển thì số đông lao động còn lại là phụ nữ làm công việc bóc vỏ cây.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm nghề “đập keo” đã gần 6 - 7 năm nay. Đã thành lệ, mỗi lần đến mùa thu hoạch keo, nhóm của chị lại tất bật đồ nghề lên đường. Nếu như trước đây, nhóm chị Nguyệt phải rong ruổi khắp nhiều khu vực trồng keo để kiếm việc thì nay đến mùa các chủ rừng, thương lái đều tự liên lạc dẫn mối.

Theo chị Nguyệt, nghề “đập keo” gồm nhiều công đoạn như cắt cây, đốn cành, bóc vỏ, vận chuyển lên xe... trong đó, công việc bóc vỏ cây tốn nhiều thời gian nhất.

“Nếu làm không kịp thời, để cây phơi nắng, vỏ bám chắc vào thân cây rất khó bóc. Nghề này làm mùa nào cũng cực không chịu khó thì kham không nổi đâu. Như mấy hôm trước, trời mưa, cây trơn không cẩn thận làm trượt đè cả người. Mà trời nóng thì vừa mệt, uống nước không biết sao cho đủ”, chị Nguyệt cho hay.

Trong nhóm 10 người làm công việc “đập keo” này, đa phần cánh đàn ông sẽ đảm nhận công việc nặng như cắt cây, vác cây từ đỉnh núi xuống, còn chị em phụ nữ sẽ đảm nhận vai trò bóc vỏ cây keo.

Những dụng cụ làm việc của họ cũng rất thô sơ, mỗi người chỉ chuẩn bị cho mình đôi bao tay, cái rựa, đôi ủng hoặc giày có bám cao rồi đeo thêm chiếc khẩu trang dạng chụp trên đầu kín mít chỉ để lộ hai con mắt.

Khi những cây keo ngã xuống, không ai bảo ai, mỗi người một việc, người thì đi cưa cây, người cầm rựa để phát bụi rậm, chặt cành cây nhỏ, người thì đứng đợi để bóc vỏ keo rồi chuyển keo ra điểm tập kết…

Thoăn thoắt bóc từng lớp vỏ dày, chị Nguyễn Thị Tâm (xã Nam Điền) chia sẻ: ““Đập keo” là công việc vất vả, nặng nhọc, nhiều khi còn nguy hiểm như bị cây quật, đè, kẹp bầm dập, gãy chân tay… Còn chuyện bị ong đốt vẫn xảy ra như cơm bữa.

Nhẹ thì sưng tấy ít tuần là khỏi, có người còn phải đi bệnh viện. Biết là cực nhọc, nguy hiểm nhưng chúng tôi cũng không bỏ được vì tính ra thu nhập từ nghề này cũng khá. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng cũng có thể kiếm được 5 - 6 triệu đồng”.

Nghề bóc vỏ keo đã trở thành nghề thời vụ quen thuộc của chị em phụ nữ vùng núi Hà Tĩnh.Vất vả nhưng thu nhập tốt

Theo cánh thợ làm nghề, những năm trước, thương lái sẽ trả tiền tính theo ngày công, còn nay chủ yếu khoán số lượng, cứ mỗi tấn keo, chủ buôn sẽ trả cho người làm 300 - 500 nghìn đồng, bao gồm tiền đốn cây, bóc vỏ, vận chuyển lên xe. Mỗi lao động làm nghề “đập keo” cũng kiếm được trên dưới 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Trong đó, cánh thợ cưa, bốc vác thường được thù lao cao hơn.

“Cách tính này thì buộc người làm phải luôn tay luôn chân, bù lại nếu có sức khỏe và nhanh nhẹn thì có khi mỗi ngày cũng kiếm được 400 nghìn đồng. So với làm ruộng thì công việc thời vụ này mang lại cho chúng tôi thu nhập tốt hơn”, chị Trần Thị Mỹ (44 tuổi, xã Cẩm Mỹ) nhẩm tính.

Chị Mỹ cho biết, vợ chồng chị có 3 con đang tuổi đi học lần lượt là lớp 12, lớp 8 và lớp 6. Nhờ công việc thời vụ này đã đưa về cho gia đình chị số tiền 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng.

Cũng tâm lý như chị Mỹ, chị Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi, xã Nam Điền) dự tính sau khi nhận tiền công cũng sẽ dùng phần lớn số tiền này để chi phí cho việc học của cậu con trai.

“Đợt đầu năm cháu xin mua thêm một số sách tham khảo nâng cao, nhưng bố mẹ chưa có tiền. Biết điều kiện gia đình, cháu cũng không dám xin lại chỉ mượn sách bạn và photo một số đề về làm. Đợt này, biết được mua sách, chắc cu cậu mừng lắm đây”, chị Thủy cười rạng rỡ.

Mỗi ngày, công việc của các chị bắt đầu từ khi tờ mờ sáng đến lúc xẩm tối. Những hôm việc nhiều cả nhóm phải mang theo đèn, bóc keo đến 9 - 10 giờ đêm mới kết thúc một ngày làm công của mình.

“Nghề này có phải như công nhân viên chức đâu, cứ xe đầy thì chúng tôi nghỉ do thương lái họ tính theo sản lượng. Vì vậy, chị em đều động viên nhau cố gắng mỗi ngày cũng phải kiếm được vài ba trăm nghìn để còn có đồng ra đồng vào”, chị Thủy tâm sự.

Nghề 'đập keo' đưa lại nguồn thu nhập khá, trang trải nhiều khoản tiền đóng nộp cho nhiều gia đình vào mỗi dịp đầu năm học mới.

Trời về trưa, tiết trời thêm phần khó chịu. Khi ấy, một người trong tổ thông báo đã đến giờ ăn, mọi người nghỉ tay để dùng bữa. Cơm trưa giữa rừng đơn giản, chủ yếu ăn để lấy no. Sau bữa cơm trưa nhanh gọn, mỗi người lại tìm một gốc cây, dựa lưng tranh thủ giấc ngủ vội.

Ông Nguyễn Sỹ Quý - Chủ tịch UBND xã Nam Điền (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - cho biết: “Nam Điền là một trong những địa phương có diện tích trồng cây keo khá lớn, hiện tại toàn xã có hơn 500 ha.

Với diện tích trồng keo khá lớn nên đã tạo công ăn việc làm khá ổn định cho những người “phu keo”, trong đó đáng kể là đội chị em bóc vỏ cây keo. Dù công việc bóc vỏ cây keo khá vất vả, nguy hiểm nhưng mang lại thu nhập cho chị em trong thời điểm nông nhàn”.

Theo Nguồn baomoi.com

'Đập keo', nghề của người nghèo - Tri Thức