Sống trên phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) hàng chục năm qua, nhưng mỗi lần đi qua Đài tưởng niệm "căm thù giặc Mỹ", bà Võ Thị Hợp (85 tuổi) đều lặng lẽ cúi đầu, nhìn vào bên trong.
"50 năm trước, từng người dân trong khu phố lần lượt ngã xuống trong đợt rải thảm B-52 của đế quốc Mỹ. Tôi chẳng thể nào quên được…", vừa lấy tay lau nước mắt, bà nói.
Đối với bà Hợp, Khâm Thiên nay đã khác. Con phố trở mình sầm uất, những dãy nhà cao tầng mọc san sát nhau. Điều này chỉ có thể che mờ cảnh hoang tàn của ngày xưa, nhưng chẳng thể xóa đi "ký ức Khâm Thiên máu và nước mắt" trong lòng những nhân chứng lịch sử như bà.
"Khâm Thiên bị ném bom hết rồi!"
22h45 ngày 26/12/1972, Không quân Hoa Kỳ ném bom dọc phố và khu chợ Khâm Thiên cùng nhiều nơi khác ở miền Bắc trong chiến dịch quân sự cuối cùng, với mục tiêu "Đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá".
Còi báo động vang liên hồi, hòa với tiếng máy bay B-52 "quần thảo" trên bầu trời, người dân cuống cuồng giục nhau xuống hầm trú ẩn.
Ông Nguyễn Văn Thứ (khi đó 29 tuổi) vội đưa mẹ, vợ và con gái 2 tuổi xuống hầm trú ẩn. Trước đó, lo sợ hầm công cộng không đủ chỗ, ông Thứ đào sâu nửa mét dưới gầm giường, chở đất từ Công viên Thống nhất về đắp xung quanh, tạo thành một chiếc hầm dã chiến.
Dứt tiếng nói: "Máy bay địch vào Hà Nội", là hàng loạt tiếng nổ rung chuyển trời đất và những luồng ánh sáng tóe lửa. Một lúc sau, vợ chồng ông Thứ lại nghe thấy tiếng hét lớn: "Khâm Thiên bị ném bom hết rồi!".
Cả khu phố nổi tiếng đông dân và náo nhiệt với 26 con ngõ mang tên thân thương như Hòa Bình, Đại Đồng, Đoàn Kết,… chìm trong biển lửa, bị san phẳng hoàn toàn sau một đêm. Tất cả chỉ còn là đống gạch vụn. Nhà dân, cửa hàng, nhà trẻ, trạm y tế… đổ nát toàn bộ.
Theo thống kê, đợt ném bom này đã phá hủy 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác. Trong đó, 3 căn nhà liền nhau số 47, 49, 51 bị bom Mỹ "xóa sổ", sau này người dân quen gọi Khâm Thiên là "phố vắng 3 số nhà".
Phố Khâm Thiên đổ nát, hoang tàn sau cuộc dội bom B-52 của đế quốc Mỹ tháng 12/1972. (Ảnh: Tư liệu)
50 năm sau, hoang tàn đã nhường chỗ cho sự sầm uất và hiện đại. (Ảnh: Mạnh Quân).
Sáng 27/12/1972, nhìn mặt phố Khâm Thiên đổ nát, ông Thứ không còn nhận ra nơi mình sinh sống. Xung quanh đều là những hố bom, lổn nhổn gạch, đất. Trên đầu ông, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục "quần thảo".
"Thi thể người chất đống lẫn vào từng quầy rau bắp cải, xu hào". Chứng kiến khung cảnh người chết không toàn thây, máu me khắp nơi, ông Thứ đứng không vững. Người đàn ông vội thu xếp hành lý, đưa gia đình sơ tán xuống Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội), sống tạm nhà người quen.
Những đêm sơ tán, dù cách trung tâm Thủ đô 40km, ông Thứ vẫn thấy bầu trời Hà Nội đỏ rực như lửa.
Những ngày sau, vợ chồng ông nơm nớp quay lại xí nghiệp đầu máy trên phố Khâm Thiên làm việc. Dọc con phố, cán bộ công nhân viên liên tục đào bới, kiếm tìm từng mảnh thi hài người chết, gom nhặt của cải, giấy tờ vương vãi trả lại cho người bị mất.
Trận bom ấy đã làm chết 287 người, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 56 trẻ em; khiến 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người khác bị thương.
Trận rải thảm bom B-52 của Mỹ biến bà Hòa thành góa phụ ở tuổi 30. (Ảnh: Mạnh Quân).
Bà Chu Thị Hòa (nay 80 tuổi, trú tại ngõ Hồ Dài, phường Khâm Thiên) chứng kiến 5 người thân ra đi khi chưa kịp nói lời từ biệt. Đêm 26/12 cách đây 50 năm, nghe tiếng còi báo động, bà cùng mẹ chồng chạy xuống hầm trú ẩn công cộng, còn chồng và 3 người em trốn tại hầm gần nhà.
"Khi bom trút xuống, đất đá vùi kín. Tôi nghe tiếng mẹ kêu nhưng không làm gì được", bà Hòa nhớ lại.
Vài phút sau, hai người được kéo lên. "Cứu mẹ chồng tôi với", bà hét lớn, tìm kiếm sự giúp đỡ, không hay biết người mẹ sớm đã chết ngạt.
Nhớ tới chồng và các em ở nhà, bà Hòa sấp ngửa chạy đi tìm, thấy thi thể chồng vắt ngang cửa hầm, hai người em cũng thiệt mạng. Cô em gái còn lại may mắn thoát chết, bị thương cột sống.
"Đứng lên từ đống đổ nát, tôi biết mình đã mất tất cả: Nhà cửa và gia đình", trong bộ quần áo nát bươm, bà Hòa thẫn thờ xuống phố xin quần áo mới, mặc tạm rồi đi nhận thi thể người thân.
Áo quan không đủ cho số người chết, nhiều nạn nhân phải nằm lạnh lẽo trong túi nilon. Nhà có 5 người tử vong, bà Hòa tranh mãi cũng chỉ được 2 áo quan. Nhớ lại cảnh tượng này, người phụ nữ đau đớn nói, dù là 50, 60 hay 70 năm, vẫn khắc sâu trong thâm tâm sự khốc liệt của chiến tranh và tội ác của kẻ thù.
"Chồng mất, tôi trở thành góa phụ ở tuổi 30", từ đó một mình bà nuôi dạy 3 người con (bé lớn 7 tuổi, nhỏ nhất mới lên 2).
Người phụ nữ 50 năm cố sống vì 3 đứa con, mỗi khi đến ngày 26/12, đều bật khóc.
"Vừa mới qua Giáng sinh, giặc Mỹ không đánh đâu…"
Tháng 12/1972, ông Trần Hậu Tuấn (nay 80 tuổi, trú tại ngõ Hồ Cây Sữa) đóng quân tại Hưng Yên, còn vợ là giáo viên dạy ở Gia Lâm.
Đêm 26/12, ông Tuấn nghe tin giặc Mỹ đánh bom Khâm Thiên. Sáng hôm sau, ông sốt ruột, mượn xe của đơn vị đạp về nơi sơ tán của gia đình ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm).
"Về đến nơi, khói hương đã nghi ngút", ông Tuấn nói, mắt rưng rưng.
Trước đó, gia đình ông đã đến điểm sơ tán an toàn, nhưng lại quay về Khâm Thiên khi nghe tin Mỹ ngừng ném bom đêm Giáng sinh.Sau này, nhiều người nói đây chỉ là một cái bẫy, bởi hệ quả của việc Mỹ ngừng ném bom là rất nhiều người dân đã trở về nhà để lấy thêm nhu yếu phẩm mang đến nơi sơ tán.
10h sáng 26/12, trong bữa ăn vội ở hàng cơm trước ngõ Hồ Cây Sữa, bố ông Tuấn khuyên các con đi sơ tán vì lo sợ Mỹ sẽ đánh bom.
"Bố ơi, mai chúng con đi, vừa mới qua Giáng sinh, giặc Mỹ không đánh đâu", người em trai ít hơn ông Tuấn 2 tuổi, đáp lời bố.
Nhưng đêm đó, B-52 san phẳng con phố Khâm Thiên.
Sáng 26/12, lãnh đạo các cấp và người dân thành kính đặt vòng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào bị bom Mỹ sát hại vào tháng 12/1972. (Ảnh: Mạnh Quân).
4 người gồm vợ chồng em trai cùng hai con qua đời, trong đó người vợ đang mang thai.Bố ông Tuấn là người duy nhất trong gia đình nhận ra thi thể con, cháu thông qua quần áo hoặc đặc điểm, dấu vết cơ thể.
Trên đường về nhà từ nơi nhận thi thể, người ông mất cháu, người cha mất con, đau đớn trèo lên xác B-52 còn sót lại trên đường Hoàng Hoa Thám (gần Công viên Bách Thảo), trút giận bằng cách đập mạnh vào máy bay, căm thù tội ác chiến tranh.
Không ngừng khóc khi thắp hương tại Đài tưởng niệm sau 50 năm, vợ ông Tuấn, bà giáo về hưu, nghẹn ngào nói: "Người ta cứ bảo là quên, nhưng làm sao chúng tôi quên được...".
"Người ta cứ bảo là quên, nhưng làm sao chúng tôi quên được...". (Ảnh: Mạnh Quân).
Bà Phạm Thị Kim Lan, 63 tuổi, nhìn lên bức tượng bằng đồng ngay trung tâm Đài tưởng niệm, cho biết đó là chân dung, dáng vóc của một người phụ nữ Hà Nội tay ôm đứa con đã chết, bước chân nhấc lên cao đạp lên bom Mỹ.
"Bức tượng lấy nguyên mẫu có thật người mẹ chết đứng ngay chân cầu thang số nhà 47 Khâm Thiên. Khi dỡ đống đổ nát, người dân đã tìm thấy thi thể người mẹ cố gắng che chắn cho con trong vòng tay mình", bà Lan kể.
Mẹ bà Lan cũng chết dưới những đợt mưa bom của B-52, năm đó bà mới 12 tuổi. Một năm sau, phía sau căn nhà của bà, Đài tưởng niệm các nạn nhân vô tội được dựng lên trên nền 3 ngôi nhà số 47, 49 và 51, với tấm bia mang dòng chữ: "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ".
Nhớ lại ngày bé, mỗi lần nghe còi báo động B-52, Kim Lan vội chạy xuống hầm trú ẩn, không quên mang theo những viên bi chơi cho đỡ chán. Nhưng điều đứa trẻ không ngờ, sau đêm 26/12/1972, xung quanh hầm chỉ toàn là xác người.
Hôm sau, anh trai Lan trở về tìm người thân, thấy áo quan phủ đầy đường, trong lòng nơm nớp lo lắng.
"Chị dâu tôi trú dưới hầm bị thương, sưng phù mặt, may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời. Mấy hôm sau, chị sinh con trai, đặt tên là Thắng, với ý nghĩa đợi ngày chiến thắng", bà nói.
Hồi sinh từ tro tàn, máu và nước mắt
Tháng 12/1972, cậu thanh niên Lê Đình Giật chỉ mới 17 tuổi, đang đợi kết quả thi Đại học Y Hà Nội. Đêm 26/12, khi nhạc hiệu chương trình "Đọc truyện đêm khuya" trên radio vừa dứt, thì tiếng còi báo động vang lên liên hồi.
Ông Giật là người vào hầm sau cùng, vừa kéo được bao trấu chắn ngang cửa hầm thì tai ông ù đi.
Mặt đất chao đảo, rung lắc dữ dội, căn hầm bị vùi kín.
Đêm đó, ông thành trẻ mồ côi, không nhà, không gia đình, giấc mơ làm bác sĩ theo đó cũng dập tắt.
Để có tiền chăm sóc em gái, ông Giật làm thuê đủ việc, như thả bèo nuôi lợn ngay hố bom ngập nước trước căn nhà bị sập. "Người cho đôi dép, cái chăn, người cho nắm gạo, bánh mỳ, anh em tôi cứ thế lớn lên. Tình người lúc đó quý giá vô cùng", ông kể.
Hai anh em đi ở nhờ nhà người thân, sau dần được hàng xóm giúp dựng tạm chỗ che nắng, che mưa. Năm ông lấy vợ, sinh con, hố bom thả bèo vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử. Ông kể con nghe về câu chuyện của gia đình và những thế hệ anh dũng đi trước, về những người dân vô tội đã ngã xuống, sau một trận cuồng bom, không còn cơ hội ngắm nhìn khu phố Khâm Thiên hồi sinh trên xác bom đạn.
Ông Lê Đình Giật bật khóc nhớ về hồi ức chiến tranh (Ảnh: Minh Sơn).
Sau ngày giải phóng Thủ đô, ánh điện đi vào từng ngõ nhỏ ở Khâm Thiên, đường nhựa mở rộng thêm, vỉa hè lát gạch và hai dãy bàng với tán lá xòe rộng.
50 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, phố Khâm Thiên đã thay áo mới, người dân vươn lên làm chủ vận mệnh của chính mình. Dấu tích tội ác của Mỹ chỉ còn lại ở Đài tưởng niệm, ghi nhớ ngày giỗ chung của hàng trăm người dân nơi đây.
Năm đó, bà Hòa cũng vì 3 người con mà cố sống. Họ nương tựa vào nhau, bù đắp cho nhau, cứ thế đi qua 50 năm cuộc đời. Về già, niềm an ủi lớn nhất của bà, là các con đều đã trưởng thành và hiếu thảo.
Với ông Nguyễn Văn Thứ, Đài tưởng niệm Khâm Thiên không chỉ là nơi người thân còn sống nhớ về nỗi đau không thể bù đắp, mà còn là nhân chứng lịch sử dạy thế hệ trẻ cách trân trọng cuộc sống.
"Sống được đến bây giờ, với tôi, là một điều may mắn. Những nạn nhân xấu số đã qua đời trong đêm tối chiến tranh. Chúng ta đã phải đánh đổi quá nhiều, cho một tương lai hòa bình", ông nghẹn ngào.
Còn ông Lê Đình Giật vẫn luôn nhắc nhở cháu nội 17 tuổi - đúng bằng tuổi trẻ của ông năm xưa, mỗi khi đi qua Đài tưởng niệm, hãy cúi đầu tưởng nhớ những người đã nằm xuống.
Nội dung: Minh NhânẢnh: Mạnh Quân, Minh Sơn