Những ngày này, giá xăng lên cao kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng giá. Đời sống người lao động trong thời điểm này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Share on FacebookShare on Twitter
Vừa trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, chị Nguyễn Thị Thanh, quê Nghệ An đang làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 lại đối mặt với sự khó khăn khi vật giá leo thang. Chị Thanh bị tật một bên chân nên đi lại bất tiện. Hằng ngày chị đi xe 3 bánh dành riêng cho người khuyết tật. Chị sống một mình tại khu trọ ở phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức.
Cha mẹ tiết kiệm chi phí sinh hoạt chỉ để lo cho con cái. Ảnh: Hoài Thương
Trước khi dịch bệnh, chị Thanh thường xuyên tăng ca, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Từ khi dịch bệnh, thu nhập của chị giảm rõ rệt vì công ty không còn tăng ca như trước, có thời điểm chị phải tạm dừng công việc vì dịch bệnh phức tạp.
Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập của chị là hơn 5 triệu đồng/tháng. Mọi chi phí sinh hoạt hiện đang tăng cao, chị Thanh cùng nhiều công nhân lao động trong các xóm trọ phải tằn tiện, chắt chiu để tồn tại ở thành phố.
Chị Thanh kể, mỗi tháng ngoài chi phí tiền nhà, tiền điện, nước khoảng 1,5 triệu đồng, chị phải tính toán, cân đối các chi phí sinh hoạt khác như tiền ăn, tiền xăng xe không quá 3 triệu đồng. Có tháng tính kỹ, bóp chặt chi tiêu chị cũng để dành được 500 nghìn đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chị đang lo lắng, số tiền đi làm hằng tháng không đủ để trả tiền nhà và các chi phí sinh hoạt khác. Chỉ tính riêng tiền xăng xe cũng khiến chị “đau đầu”. Trước đây, mỗi lần đổ xăng, chiếc xe máy của chị chỉ cần đổ 35.000 đồng là đầy bình, giờ số tiền tăng gấp đôi nhưng vẫn chưa đầy bình.
Thu nhập của công nhân không đủ sinh sống thời “bão giá”. Ảnh: Hoài Thương
Ngoài thời gian từ nhà đến công ty và ngược lại, chị Thanh cũng chạy xe đi chợ và đến nhà bạn bè ở khu trọ khác vào dịp cuối tuần. Kể từ khi giá xăng tăng chị đã thu hẹp cung đường của mình, chỉ dám chạy xe từ công ty về nhà và ngược lại.
“Ngày trước tôi chỉ mua 10.000 đồng/kg rau bây giờ ở chợ đã tăng lên 15.000 đồng/kg, có loại là 20.000 đồng/kg. Thịt, cá ở cửa hàng quen tôi hay mua cũng đồng loạt tăng giá vì xăng tăng”, chị Thanh cho hay.
Đi làm cả ngày tại công ty, chị Thanh chỉ lo bữa tối và bữa sáng. Thỉnh thoảng chị cũng ăn sáng bên ngoài để thay đổi khẩu vị, nhưng từ khi giá cả tăng cao chị đã ăn sáng tại nhà. Mỗi bữa tối, chị Thanh nấu nhiều cơm và thức ăn để sáng hôm sau ăn cơm nguội đi làm.
Ở quê chị, có món xơ mít muối, sau khi chế biến sẽ thành một món ăn rất ngon. Mỗi khi ghé vào khu chợ gần nhà, thấy cô bán hoa quả có thừa xơ mít ngon, chị lại xin về muối và để dành ăn dần. Đây cũng là cách để chị Thanh tiết kiệm một khoản tiền trong chi phí ăn uống hằng ngày.
Vợ chồng anh Huệ tạm thời tự dạy con học thay vì cho đi học thêm. Ảnh: Hoài Thương
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Huệ (quê Nam Định) vào TP. HCM sinh sống được hơn 2 năm nay. Gia đình anh có hai cháu đang đi học, anh Huệ làm công nhân còn vợ buôn bán tự do.
Trước khi vật giá “phi nước đại”, vợ chồng anh đi làm, tiết kiệm cũng vừa đủ nuôi con và lo cho gia đình. Thời gian gần đây, dịch bệnh và xăng tăng giá khiến cho sinh hoạt của gia đình anh Huệ có nhiều thay đổi.
Để tiết kiệm chi phí tối thiểu, anh Huệ cùng vợ bàn nhau thắt chặt lại chi tiêu, cắt giảm những thứ không cần thiết.
Do đó, vợ chồng anh chị đã quyết định tự nấu đồ ăn sáng cho con thay vì ăn bên ngoài. Anh Huệ định mua chiếc máy giặt cũ để vợ đỡ vất vả, nhưng với tình hình này, vợ chồng anh đành cắt khoản chi đó.
Mỗi bữa ăn, vợ chồng anh cũng giảm xuống tối đa, chỉ cần đủ dinh dưỡng cho hai con. Cuối tuần, vợ chồng anh cũng không thường xuyên đưa con đi chơi công viên như trước nữa.
“Vật giá leo thang, xăng tăng đến gần 30.000 đồng/lít, vậy mà tiền lương tối thiểu vùng vẫn giữ nguyên, 2 năm nay chưa thay đổi. Một thời gian nữa, nếu không cầm cự nổi, vợ chồng tôi tính về quê để ổn định cuộc sống”, anh Huệ bộc bạch.
Theo Sở Tài chính TP. HCM nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,70% so với tháng trước, chủ yếu do giá thuê nhà tăng 1%. Giá nước sinh hoạt tăng 23,3% do các công ty cấp nước điều chỉnh giá nước theo lộ trình, phí xử lý nước thải sinh hoạt tăng. Giá dầu hỏa tăng 8,39%, giá ga và các loại chất đốt tăng 3,71%. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2022 sẽ tăng nhẹ so với tháng 2.
Giá cả thị trường tháng 3/2022 chịu tác động bởi giá nhiên liệu (xăng, dầu), từ đó ảnh hưởng đến các mặt hàng liên quan. Sự biến động liên tục của giá vàng thế giới và đồng USD cũng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.