Ông Vương Văn Vĩnh - Cán bộ văn hóa xã Lê Lợi (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) chia sẻ, nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân có từ rất lâu đời, người đầu tiên mang nghề may và thêu cờ Tổ quốc về làng là cụ Vương Đình Văn người làng Từ Vân.
Người dân làng Từ Vân chia sẻ về nghề may cờ Tổ quốc
Cách đây khoảng 80 năm về trước, cụ Văn có một cửa hàng ở số 53 Hàng Bông, Hà Nội, chuyên bán và nhận gia công các mặt hàng thêu chăn, ga, gối, đệm. Về sau, khách hàng đặt cờ Tổ quốc với số lượng lớn thì lúc đó ông Văn bắt đầu chuyển những đơn hàng về làng Từ Vân để các hộ gia đình may và thêu cờ Tổ quốc.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phục hiện nay là hộ gia đình có xưởng gia công sản xuất cờ Tổ quốc lớn nhất làng Từ Vân.
Từ đó đến nay, nghề sản xuất cờ Tổ quốc của làng Từ Vân được mở rộng ra nhiều hộ gia đình. Ban đầu các hộ gia đình chỉ nhận những đơn hàng thủ công làm bằng tay như cắt, may và thêu lá cờ, về sau nhu cầu lớn hơn đơn hàng ngày càng phong phú từ những lá cờ Tổ quốc, sang các loại băng rôn cổ động, cờ thi đua, cờ truyền thống, cờ nhỏ… thì một số hộ gia đình cũng chuyển sang cắt may theo hướng công nghiệp hiện đại.
Làng Từ Vân hiện nay có nhiều gia đình gắn bó nghề qua 3 - 4 đời thế hệ, nhưng nổi tiếng nhất là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phục vẫn duy trì với nghề đến nay.
"Tôi là người kế nghiệp của bố mẹ, ngày trước bố mẹ làm thủ công bằng cách cắt may và thêu. Sau này tôi chỉ phát triển lên bằng cách cải tiến và mua thêm máy móc hiện đại để kịp đáp ứng đơn hàng với số lượng lớn và có độ chính xác cao cũng như độ thẩm mỹ"", ông Nguyễn Văn Phục chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của ông Phục, gia đình ông vinh dự được may lá cờ lớn nhất nước (54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc) hiện đang được treo ở cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Ngày đó, để may được lá cờ lớn như vậy gia đình ông đã phải huy động hơn 20 người vào làm và mượn sân văn hóa của làng để gấp lại.
"Đến bây giờ thỉnh thoảng được nhìn lá cờ này qua ti vi vẫn thấy vinh dự và tự hào lắm", ông Phục tâm sự.
Bà Đặng Thị Đàn gắn bó gần một đời người với nghề sản xuất cờ Tổ quốc.
Là người gắn bó hơn 30 năm với công việc sản xuất ra những lá cờ Tổ quốc, ông Phục sẵn sàng chi ra tới nửa tỉ đồng để đầu tư máy móc, liên tục cải thiện máy móc nhằm cho độ chính xác, tính thẩm mỹ và năng suất cao hơn.
"Làm nghề này để giàu thì rất khó, nói chung chỉ đủ chi tiêu và quay vòng vốn, đến khi nào mình dừng hẳn thì mới biết lãi lời bao nhiêu.” ông Phục nói.
Bà Đặng Thị Đàn (67 tuổi) - là người kế nghiệp của bố mẹ từ xưa chia sẻ, mỗi lần các cháu hay người quen đi đâu về lại khoe nhìn thấy lá cờ Tổ quốc nhà bà sản xuất đang tung bay ở các nơi khiến bà cảm thấy vui, đó là động lực để gia đình bà tiếp tục làm nghề.
Bà Đàn cho biết, mặc dù quy mô của gia đình không lớn nhưng cũng đủ duy trì công việc hàng tháng cho 25 - 30 người trong làng với thu nhập 5 - 6 triệu đồng. Nhiều chị em thường nhận các đơn hàng về gia công như thêu, gấp, đóng hàng… còn việc cắt và may sẽ được mọi người làm tại xưởng nhà bà.
Ở làng Từ Vân hiện nay, ngoài gia đình ông Phục áp dụng công nghệ máy móc vào công việc sản xuất cờ Tổ quốc vẫn có 2 - 3 gia đình duy trì giữ gìn cách làm cờ truyền thống là thêu tay để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khác nhau của khách.
Để làm được một lá cờ Tổ quốc hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu thiết kế, chọn vải cho đến khâu cắt, may, thêu hay đóng hàng... thì ở công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận chu đáo mà theo cách chia sẻ đầy xúc động của bà Đàn "hình ảnh của dân tộc mình đấy nên phải nâng niu trân trọng".
Hiện những chiếc cờ đỏ sao vàng, cờ đảng, băng rôn cổ động, cờ thi đua, cờ truyền thống, cờ nhỏ… của làng Từ Vân sản xuất không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng trên những con phố cổ của Hà Nội mà còn xuất đi khắp các địa phương trên cả nước với số lượng lớn.
Người dân làng Từ Vân luôn cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi những lá cờ được sản xuất từ ngôi làng của mình đang tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc và luôn có mặt trong các sự kiện trọng đại của đất nước.
Nhóm PVTags:Làng may cờ tổ quốc, làng làm cờ tổ quốc, làng Từ Vân may cờ tổ quốc,