Thủ khoa tổ hợp B00 không chọn Y vào phút chót
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Bùi Đức Anh (Thái Bình) đạt 29,35 điểm, là một trong hai thủ khoa toàn quốc ở tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Ban đầu, Đức Anh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, khi Bộ GD&ĐT cho phép, em quyết định điều chỉnh nguyện vọng 1, 2 sang nhóm ngành Kinh tế của Trường ĐH Ngoại thương bằng tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh), ngành Y khoa đẩy xuống nguyện vọng 3. Đức Anh đã trúng tuyển nguyện vọng 1. Chia sẻ về bước rẽ đột ngột, Đức Anh cho hay chỉ muốn học trong thời gian ngắn hơn để đi làm nhanh hơn.
Tân sinh viên ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội nhập học. Ảnh: Như Ý
Nhiều thí sinh, trước khi quyết định theo học nhóm ngành Sức khỏe đã rất đắn đo. Một thí sinh cho hay, từ cấp 2 đã mơ ước trở thành bác sĩ và được gia đình rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi đã có đủ điều kiện để học, em mới bắt đầu nghĩ đến những điều phát sinh trong tương lai. Đó là vấn đề học phí do gia đình khó khăn. “Điều khiến em trăn trở hơn là mẹ ngày một lớn tuổi, còn con đường học Y dài đằng đẵng. Cứ suy nghĩ đến hai điều ấy, em lại ngập ngừng, băn khoăn không biết con đường theo học ngành Y có đúng đắn trong trường hợp của mình không”, thí sinh này chia sẻ.
GS Nguyễn Hữu Tú lo ngại, trong tương lai gần, rất có thể xảy ra tình trạng thí sinh giỏi không lựa chọn học Y như ngành Sư phạm trước đây.
Ông Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy môn Sinh học, Hệ thống giáo dục Hocmai, cho biết, hiện tại, ngành Y khoa vẫn còn có sức hút với thí sinh. Nhưng những ngành như Y học dự phòng, Điều dưỡng đã bắt đầu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tuyển. Điều này được chứng minh bằng hàng loạt trường ĐH phải xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế thông báo tuyển bổ sung ngành Điều dưỡng 100 chỉ tiêu, ngành Y học dự phòng 26 chỉ tiêu. Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung 260 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng. Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM thông báo tuyển bổ sung 160 - 170 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng và 20 chỉ tiêu ngành Y học cổ truyền. Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương thông báo tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng… Các trường ĐH ngoài công lập có đào tạo nhóm ngành Sức khỏe cũng đều thông báo xét tuyển bổ sung khá nhiều chỉ tiêu.
Ngành Y màu “máu”, không phải màu “hồng”
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường năm nay giảm gần 60%. Các năm trước, trường nhận trên 10.000 nguyện vọng đăng ký, năm nay chỉ còn hơn 4.000. Y khoa vốn là ngành có điểm chuẩn cao nhất và thu hút nhiều thí sinh đăng ký nhất, năm nay cũng giảm đáng kể, phần nào ảnh hưởng đến điểm chuẩn xét tuyển. “Không riêng Trường ĐH Y Hà Nội, hầu hết các trường trong khối ngành Y dược đều bị giảm số lượng nguyện vọng xét tuyển. Do đó, việc một số trường Y đang tuyển bổ sung năm nay là điều dễ hiểu”, GS Tú nói.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Hải Ninh, Phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, cho biết, nhiều trường Y dược năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu ngay từ khi lọc ảo đầu, đặc biệt những ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Y học cổ truyền... nên phải tuyển bổ sung. Điển hình như ngành Điều dưỡng, có 618 nguyện vọng đăng ký, kết quả lọc ảo trả về số thí sinh trúng tuyển đến sát mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định (19 điểm) chỉ từ 140 - 160/200 chỉ tiêu. Ngành Y học dự phòng với 249 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, qua các vòng lọc ảo chỉ trả về từ 32 - 47/60 chỉ tiêu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở mức điểm sàn.
Theo TS Ninh, số thí sinh đăng ký giảm mạnh do đặc thù công việc ngành Y vất vả, nguy hiểm, nhưng chế độ đãi ngộ không được cải thiện khiến nhiều thí sinh chuyển hướng. Ngoài ra, từ năm 2022, các trường ĐH Y dược đều tăng học phí. Ông Đinh Đức Hiền cho rằng, 2 năm dịch dã, ngành Y có nhiều biến động, nhân viên y tế bỏ việc liên tục, học phí tăng cao, thời gian đào tạo dài là nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn của thí sinh. Ví dụ, nếu học ngành Y tại các trường ở khu vực TPHCM, mỗi tháng gia đình phải chi từ 11 - 12 triệu đồng/sinh viên. Theo ông, ngành Y màu “máu”, chứ không phải màu “hồng” như nhiều người vẫn tưởng.
Ông nhận định, ngành Y là ngành đào tạo đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, ngành Y phải tuyển được những người giỏi nhất, phù hợp nhất. Hiếm có ngành nào khốc liệt ngay tại cánh cổng trường ĐH. Số lượng chỉ tiêu ít, điểm chuẩn luôn thuộc tốp những ngành có điểm cao nhất hiện nay, để vào được các trường Y, học sinh THPT thường phải ôn luyện từ rất sớm (2 - 3 năm). Khi bước chân qua cánh cổng trường ĐH, sinh viên Y sẽ trải qua thời gian đào tạo dài nhất trong những ngành nghề hiện nay. Để có thể làm nghề, thời gian đào tạo thường mất từ 8 - 10 năm.
“Khốc liệt khi làm nghề còn là phải đóng rất nhiều vai, bác sĩ chữa bệnh cứu người, nhà tâm lý, nhà giáo dục học, hay thi thoảng phải trở thành diễn viên. Xã hội hiện tại đòi hỏi y bác sĩ phải đa năng hơn rất nhiều. Ngành Y thiêng liêng, cao quý nên dành cho những người đam mê, sẵn sàng hi sinh và chắc chắn không có chỗ cho những người mộng mơ hay thực dụng”, ông Hiền nói.