Thông tin từ gia đình, cụ bà M từng đi khám nhiều nơi tại các bệnh viện ở Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, suy thượng thận mạn, đái tháo đường, lão suy, đã mở khí quản cách nay 1 tháng, điều trị tình trạng cải thiện chậm. Sau đó, bệnh nhân đã đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Sau thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, kết quả xét nghiệm ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm phổi trên nền đái tháo đường type 2 nên nhập Khoa Tổng hợp điều trị. Qua quá trình điều trị đáp ứng chậm với điều trị ban đầu, ekip bác sỹ tiến hành hội chẩn, kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy có dị vật kim loại cản quang kích thước #11mm vị trí thùy dưới phổi phải, viêm phổi, kết quả cấy đàm vi khuẩn Klebsiella pneumonia toàn kháng.
Người bệnh được chẩn đoán: Dị vật đường thở. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nguy hiểm biến chứng áp xe phổi ở vùng có nhiều mạch máu lớn rất nguy hiểm. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng kháng sinh mạnh và chuẩn bị nội soi phế quản lấy dị vật.
Để gắp thành công dị vật phế quản đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải được đào tạo bài bản về kỹ thuật can thiệp nội soi phế quản, thao tác khéo léo, chuẩn xác để tránh tình trạng dị vật rơi trở lại vị trí ban đầu hoặc đi chệch hướng gây tổn thương các tổ chức trong lòng phế quản. Phương pháp nội soi phế quản gắp dị vật đang được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Quá trình nội soi kéo dài khoảng 40 phút, các bác sĩ đã gắp thành công dị vật thùy dưới phổi phải là chiếc răng giả. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân hồi phục dần, giảm liều oxy qua mở khí quản, các xét nghiệm viêm cải thiện. Và đã được xuất viện khi các chỉ số sinh hiệu ổn định.
BS. Nguyễn Thành Thái, Khoa Tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, là bác sĩ thực hiện nội soi cho trường hợp cụ bà này cũng khuyến cáo, dị vật đường thở có thể dẫn tới tử vong hoặc những biến chứng nặng nề nếu không được xử lý kịp thời.
Do đó, nếu có tình trạng hóc dị vật thoáng qua (thường biểu hiện bằng cơn ho sặc sụa một lúc rồi hết), sau đó xuất hiện tình trạng ho kéo dài, người bệnh nên đi khám sớm để phát hiện nguy cơ có dị vật bỏ quên trong đường hô hấp.
Quá trình ăn uống cần ăn chậm, nhai kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường ăn, đường thở.
Thảo Nguyên