Vượt đường xa, hiểm trở mang chữ đến vùng cao
Suốt 5 năm qua, dù phải lặn lội đường xa, hiểm trở, các giáo viên tại điểm trường Canh Tiến vẫn luôn vượt khó, cùng nhau mang con chữ đến với trẻ em vùng cao.
Giáo viên ở điểm trường Canh Tiến phải thuê xuồng để đi lại. Ảnh: Hoài Luân
Điểm trường Canh Tiến nằm trong một ngôi làng gần như biệt lập với bên ngoài, muốn đến được điểm trường này, các giáo viên phải thuê xuồng để qua, mỗi lượt có giá từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Theo người dân địa phương, muốn vào được điểm trường này thì có thể đi đường sông hoặc đường núi. Đường sông thì phải đi xuồng hơn 10km, đường núi thì phải đi bộ băng qua giữa rừng khoảng chừng 3 giờ đồng hồ.
Đã 5 năm giảng dạy tại điểm trường này, cô Võ Thị Kiều Trinh đã quen với việc phải dậy rất sớm vào mỗi sáng thứ 2 để chuẩn bị quần áo, thức ăn… cho cả 1 tuần để mang đến trường.
Cô Trinh chia sẻ: Nếu tuần nào mà gạo hay thức ăn hết sớm thì dân làng ở đây họ cho. Các em cũng quý thầy cô giáo ở đây, nhà các em có cái gì thì mang đến cho thầy cô cái đó, thường thì các em hay cho: Cá, gạo, rau củ... để giáo viên ăn đến hết tuần.
Cô Trinh ân cần chỉ dạy các em nắn nót viết từng nét chữ. Ảnh: Hoài Luân
“Mùa khô thì tôi phải đi đường núi, nhiều đoạn qua suối nên phải đẩy bộ. Nữ thì đi xe yếu nên qua các đoạn đường hiểm trở rất sợ. Vào mùa mưa thì phải đi xuồng để vào trường, nhiều hôm trời gió mạnh, ngồi trên xuồng sợ lắm vì không biết bơi” – cô Trinh cho hay.
Cô Trinh đã bật khóc khi chia sẻ về những giây phút nhớ nhà, nhớ con. Ảnh: Hoài Luân
Cô Trinh bày tỏ: “Lúc tôi lên đây dạy, con tôi chỉ mới được 10 tháng tuổi, nhiều lúc thấy các em nhỏ trong làng chơi đùa thì rất nhớ con. Sau nhiều năm giảng dạy ở đây, tôi có một tình cảm đặc biệt với ngôi làng này”.
Vượt qua nỗi nhớ nhà
Vừa mới nhận công tác tại điểm trường Canh Tiến được 3 hôm, cô Lâm Như Quỳnh đã có đôi lúc tuổi thân vì nhớ nhà.
“Ngày đầu tiên lên đây tôi hụt hẫng lắm, tôi cũng đã nghe được hoàn cảnh ở đây nhưng không nghĩ nơi này lại khó khăn đến thế. Cả ngày điện thoại không có sóng, không gọi được cho ba mẹ nên rất là buồn, nhiều lúc đã suýt khóc vì nhớ nhà” – cô Quỳnh chia sẻ.
Cô Lâm Như Quỳnh chỉ dạy cho các em học sinh. Ảnh: Hoài Luân
Cô Quỳnh cho hay, cuộc sống của người dân ở ngôi làng này rất thiếu thốn, nhất là điện và nước sạch. Hiện nay đã có hệ thống điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên nhiều nhà không có điều kiện nên tấm pin năng lượng mặt trời rất nhỏ, không có đủ điện để sử dụng.
“Ở đây, tối đến không có điện nên các em không thể tự học ở nhà, mặt khác, nhiều phụ huynh ở làng này cũng không biết chữ nên cũng không ai chỉ dạy cho các em được. Rất thương” – cô Quỳnh chia sẻ.
Giây phút vui tươi, hồn nhiên của các em học sinh vùng cao. Ảnh: Hoài Luân
“Nhiều lần tôi muốn về vì điều kiện quá khó khăn, nhưng vì thấy thương các em nhỏ nên tôi quyết định ở lại để giúp đỡ. Tôi cũng còn trẻ, chưa có gia đình nên sẽ cố gắng ở lại để chỉ dạy cho các em” – cô Quỳnh nói.
Xung phong đến vùng cao giảng dạy
Đã gắn bó với nghề giáo hơn chục năm, thầy Nguyễn Kim Sơn là giáo viên tình nguyện đến điểm trường Canh Tiến để chia sẻ những khó khăn với 2 đồng nghiệp, giúp các em học sinh ở vùng cao không bị bỏ lại quá xa so với những em học sinh ở đồng bằng, thành thị.
Thầy Sơn tận tình chỉ dạy cho các em học sinh. Ảnh: Hoài Luân
“Ở đây xa xôi, các em không biết chữ, không có điều kiện được học tập như ở dưới xuôi. Đây cũng là động lực để tôi quyết định xin đến đây công tác, góp chút ít công sức để giúp các em nên người” – thầy Sơn chia sẻ.
Thầy Sơn cũng mong muốn, trong tương lai Nhà nước tạo điều kiện về giao thông, hệ thống điện, công nghệ thông tin để cho những học sinh ở ngôi làng khó khăn này được tiếp cận kiến thức, theo kịp những em học sinh ở đồng bằng.