Tác giả Phạm Toàn (trái) đang chia sẻ kinh nghiệm về trị liệu tâm lý tâm thần
Rất nhiều bạn đọc là sinh viên, các chuyên gia trị liệu, chuyên gia giáo dục mầm non, phụ huynh có con em gặp các vấn đề về tâm lý tâm thần... cùng đến Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM nghe buổi chuyện trò đầy bổ ích của một tác giả đầy nhiệt huyết và từ tâm.Về ba tập sách, TS Phạm Toàn cho biết trong thời gian đầu ông phải cố gắng tìm cách diễn dịch các thuật ngữ chuyên môn về tâm lý tâm thần sang tiếng Việt. Và cụm từ "tâm lý tâm thần" như vậy đủ để chuyển tải nội dung: các chứng bệnh/vấn đề sức khỏe cá nhân có liên quan đến các bất thường trong tâm lý và tâm thần.
Cuộc gặp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của số đông người dân, nên từ những trang sách có tính chuyên môn sâu, tác giả và độc giả đã nhanh chóng gặp nhau như những người đang cần chia sẻ các vấn đề quan trọng về sức khỏe tâm lý tâm thần ở cự ly gần.
Chẳng hạn từ vấn đề nêu ra: "Với chứng rối loạn lo âu thì khi nào được xem là bệnh, khi nào vẫn là bình thường?", tác giả Phạm Toàn bằng cách diễn đạt súc tích giản dị đã chỉ ra các dấu hiệu được xem là bất thường trong cá tính/tâm lý của một người như: bỗng dưng mất hết năng lực làm việc, chỉ muốn nằm ì ra, hay đùng một cái hủy hoại cơ thể mình hoặc tấn công người khác...
Về nguyên nhân của chứng trầm cảm, ông cũng chia sẻ ba yếu tố hợp thành gồm: một chút bẩm sinh, một chút di truyền và môi trường bên ngoài.
Nhiều bạn đọc đến hội trường tầng 1 Nhà văn hóa Thanh niên dự buổi trò chuyện bổ ích về tâm lý tâm thần
MC - thầy giáo Phạm Văn Sỹ - phó trưởng khoa khoa học xã hội và quan hệ công chúng, Đại học Công nghệ TP.HCM - nêu một ý đáng chú ý: Tình trạng buồn đến mức nào thì được xem là trầm cảm?
Vấn đề này được tác giả Phạm Toàn liên hệ với thực tế hậu COVID-19 hiện nay với nhiều ca tự tử do trầm cảm. Nguyên nhân đến từ các phía: lo sợ từ nhiều lý do, hoặc tuyệt vọng trong cuộc sống.
"Mức độ nào xác định trầm cảm là tùy cá nhân và tùy vấn đề gặp phải. Thường thì không ăn không ngủ được, nghĩ đến những điều xa xôi nặng nề không đáng nghĩ. Mức độ nào thì tùy cá nhân họ chịu đựng đến đâu, như thất tình có người thấy bình thường, có người lại đi tự tử. Mình không vui được trước những vấn đề lẽ ra rất vui, như vậy cũng là trầm cảm", TS Phạm Toàn chia sẻ.
Phần lớn cuộc trò chuyện xoay quanh các câu hỏi về giáo dục con em cả những trường hợp bình thường lẫn các ca có vấn đề về tâm lý tâm thần. Trong tâm thế một người lớn tuổi đi trước, TS Phạm Toàn chia sẻ với những phụ huynh trẻ về cách cần phân biệt việc con em dùng điện thoại cho việc học việc làm hay cho những thú chơi vô bổ.
Và mặc dù cụm từ "nghiện smart phone" không được xem là chính thống trong khoa học tâm lý tâm thần, nhưng nếu thấy con cái có dấu hiệu sa đà vào các thói quen vô bổ thì nên ngăn chặn dần, vì điều đó có hại cho sức khỏe tâm lý tâm thần.
Ông cũng lưu ý thêm là trầm cảm có hai nguyên nhân là nội sinh và ngoại sinh. Nội sinh gần như có sẵn khả năng trầm cảm, gặp một yếu tố gì đó sẽ bộc lộ; còn ngoại sinh là do sự cố từ bên ngoài tác động gây trầm cảm. Trầm cảm ngoại sinh dễ phục hồi hơn trầm cảm nội sinh.
Đặc biệt, lứa tuổi đầu đời và độ tuổi dậy thì là những thời điểm dễ xảy ra các vấn đề tâm lý tâm thần. Một đứa trẻ đầu đời cần cha mẹ dạy cho các thói quen để từ đó hình thành nên tính khí.
Và tính khí hình thành có sự tác động lớn từ môi trường. Do vậy các cách giáo dục con cái như thế nào thường mang lại kết quả rõ nét về tính khí. Điều này được tác giả Phạm Toàn trình bày kỹ lưỡng với kỳ vọng các bậc cha mẹ hãy sớm biết cách dạy con để trở thành người tốt cho gia đình và xã hội.
Ba tập sách vừa ấn hành
Tiến sĩ Phạm Toàn là bác sĩ tham vấn, trị liệu tâm lý tâm thần, nguyên trưởng khoa tâm lý trị liệu, Trung tâm sức khỏe tâm thần Halmilton Madison New York, New York, Hoa Kỳ.
Liên quan đến các cơ sở tự giới thiệu sẽ chữa hết các chứng trầm cảm, tự kỷ hay các rối loạn tâm lý tâm thần hiện nay, tác giả Phạm Toàn cho biết ở Mỹ và các nước phương Tây không cho phép bác sĩ hay chuyên gia tự quảng cáo rằng mình chữa hết hay điều trị dứt các chứng bệnh đó. "Họ chỉ cho phép mình tự giới thiệu là chuyên gia về lĩnh vực này", ông chia sẻ.
Ông cũng cho biết các bệnh tâm lý tâm thần trên thế giới hiện có hai cách trị chính: dùng các loại thuốc, và tâm lý trị liệu. "Tôi thú nhận hai cách này chữa lâu dài nhưng kết quả rất khó nói sẽ đến đâu. Thuốc thì cầm cự các triệu chứng thôi chứ không chữa được bệnh đó. Tâm lý trị liệu thì đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh và khả năng của người chữa.
Các quốc gia Tây phương đã để dành nguồn vốn riêng để chữa các bệnh tâm lý tâm thần cho người dân, vì đây là những loại bệnh khó chữa hết được. Hy vọng chính quyền và các đơn vị tư nhân ngày càng để ý vấn đề này".
Bài, ảnh: LAM ĐIỀN