Ký ức một thời cắp sách đến trường
Năm 1954 hồi Hà Nội mới giải phóng có rất ít trường công lập. Đa phần trường là tư thục như trường Thăng Long phố Nguyễn Thái Học, trường Nguyễn Huệ phố Trần Quang Khải, trường Tân Trào phố Thợ Nhuộm, trường Minh Tân phố Trần Hưng Đạo… Những thế hệ học trò ngày ấy nay đã lên ông lên bà nhưng ký ức một thời cắp sách đến trường thì vẫn còn nguyên đó. Ông Ngô Ngọc Hoàn nay đã ngoài 80 tuổi, nhà ở quận Tây Hồ. Thời ông còn cắp sách đến trường thì cũng là những năm mới tiếp quản Thủ đô (1956 -1958).
Hà Nội lúc ấy dân số còn thưa thớt, nhà cửa được xây dựng từ thời Pháp chiếm đóng, trừ những phố trung tâm mạn Ba Đình, Hoàn Kiếm có nhiều biệt thự bề thế, còn lại đường ven đô đa phần nhà cấp 4, có cả nhà lợp lá cọ. Hồi ấy, những con phố Bạch Mai, Kim Liên, Cầu Giấy, Thái Hà trở ra đã được coi là ngoại thành. Khoảng 6-7 giờ tối là đường đã vắng tanh ít người qua lại. Hai mặt phố nhà nhà lên đèn nhưng chỉ với chiếc bóng điện ánh sáng đỏ quạch, yếu ớt, nhiều nhà vẫn còn thắp đèn dầu.
Nhà ông Hoàn ở cách trường khá xa, hàng ngày phải đi học bằng tàu điện. Cũng cần nói thêm, học trò lúc bấy giờ dù trường xa hay gần đều phải đi bộ hay tàu điện, rất ít gia đình có điều kiện mua cho con xe đạp, ngoài những nhà khá giả giàu có. Ông Hoàn học trung học tư thục Thăng Long, đa phần là trò nam, rất ít nữ sinh. Ngoại trừ trò nữ mang theo cặp sách thì các nam sinh thường cuốn mấy quyển vở cho vào trong áo hoặc cuộn tròn giắt sau lưng. Chỉ có hai trường dành riêng cho nữ sinh là Trưng Vương trên phố Hàng Bài và Tây Sơn ở đường Trần Nhân Tông. Ông Hoàn vẫn không không thể quên những khoảnh khắc sau giờ tan học đến đón bạn gái ở trường Tây Sơn, ngắm nhìn các nữ sinh từ trong trường tỏa ra với những tà áo dài trắng thướt tha, tóc ngang vai, cặp sách buộc sau xe đạp, nói cười ríu rít.
Học sinh trung học ngày ấy cũng nảy sinh tình cảm qua những buổi học nhóm, học tổ… Tuy là có thiện cảm với nhau nhưng cách thể hiện rất tế nhị, rụt rè, đôi khi chỉ dám nói bóng gió, xa gần hoặc viết vội vài chữ trên mảnh giấy… Có câu chuyện tình yêu học đường mà nhân vật chính lại là cô em gái ruột của tôi với cậu học trò cùng lớp. Sau hai người đã thành vợ thành chồng. Hai cô cậu cùng học lớp cuối năm trung học.
Cậu trò học sáng, cô em tôi học chiều, nhưng cùng một phòng học, ngồi đúng bàn ấy. Cậu trò này đã để ý đến cô gái xinh xắn nhưng rất khó tiếp cận, sau cậu ta nghĩ ra một kế là viết lên mặt bàn hai câu thơ bằng bút mực tím. Lần nào vào lớp cô em tôi cũng khó chịu về những vần thơ bóng gió, xa gần, chưa kể phải dùng giẻ lau mãi mới sạch. Cứ vài ngày lại thấy xuất hiện những nét chữ quen thuộc.
Một hôm, tự nhiên cô nàng nhìn thấy những câu thơ mà mình rất yêu thích trong “Hai sắc hoa ti gôn”. Lâu dần “mưa dầm thấm đất”, hai cô cậu bắt đầu gặp nhau. Tuy vậy, cũng chỉ dám tỏ tỉnh bằng những lá thư, rồi mới đến hẹn hò nơi góc phố, tuyệt nhiên không được đến nhà do cha tôi là người nghiêm khắc, gia trưởng.
Con gái tuổi 14-15 đang đi học không được phép có bạn trai và không được tiếp bạn trong nhà. Tôi còn nhớ, vào một tối nọ đang học trên gác, chiếc chuông dây ngoài cổng kêu kính coong. Cha tôi vội chạy ra cổng xem khách nào. Thoạt thấy bóng ông, cậu chàng cắm đầu bỏ chạy. Đứng trên ban công chứng kiến cảnh đó, tôi không nhịn được cười.
Ngày đó quan hệ nam nữ rất khắt khe, những gia đình có con gái mới lớn luôn nhắc nhở, răn đe con mình trong quan hệ trai gái không được vượt quá lễ giáo. Khi tình yêu chớm nở thì đôi bên chỉ dám trao đổi bằng ánh mắt, rồi thông qua những mẩu giấy mà hẹn hò tối thứ bẩy, chủ nhật ở góc phố… Vài năm sau, cậu ấy nhập ngũ, cô em tôi học hết trung học đi dạy học.
Trước ngày lên đường, chàng được nàng tặng quyển sổ trong có con bướm ép khô. Hết nghĩa vụ quân sự, cậu ta công tác ở Đài Phát thanh tỉnh Quảng Ninh, còn cô em tôi chuyển về dạy học ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hai người vẫn gắn bó với nhau. Sau thì cha mẹ tôi không đồng ý đôi bên kết hôn với nhiều lý do về gia cảnh. Nhưng là mối tình đầu gắn bó từ thuở học trò nên đôi trẻ nhất quyết thuyết phục cha tôi, người vốn gia trưởng, khó tính.
Tuổi học trò với nhiều ký ức hồn nhiên, đẹp nhất dưới mái trường dấu yêu |
Hồi ức bất tận của tuổi học trò
Thập niên 60 thế kỷ trước, Hà Nội có rất ít nơi vui chơi giải trí. Học sinh đang tuổi cắp sách đến trường trong 3 tháng hè bị gia đình quản lý rất chặt. Buổi trưa bắt buộc phải ở nhà ngủ trưa, đi đâu cũng phải xin phép kể cả bơi lội, đá bóng. Chơi thân với bạn phải được bố mẹ thông qua lý lịch trích ngang: Nhà nó ở đâu, con nhà ai, bố mẹ làm gì, cơ quan Nhà nước hay dân “phe phẩy”. Đủ điều kiện mới cho chơi. Cách nhà tôi vài số nhà có anh cùng phố mới đi cải tạo được tha, bố mẹ tôi luôn răn: Nó mới đi tù về đấy, tránh xa ra nhé, không được quan hệ, chuyện trò gì hết. Người dân xóm phố cứ nghe thấy người đi tù là đã thấy ghê sợ, kẻ kia cũng mặc cảm tránh xa.
Tôi và hai thằng bạn cùng phố chơi thân với nhau vì cũng cùng học một trường, cứ tối thứ năm hàng tuần là lại rủ nhau đến nhà hát Nhân Dân đường Trần Hưng Đạo xem biểu diễn văn nghệ ngoài trời. Đấy là điểm sinh hoạt giải trí thu hút nhiều thanh thiếu niên nam nữ đến xem chương trình biểu diễn các tiết mục ca hát, nhạc, kịch do các đội văn nghệ nhà trường không chuyên biểu diễn. Trong đó cũng có vài ca sĩ sau này nổi tiếng như ca sĩ Quý Dương phụ trách Đội văn nghệ Tuổi trẻ Hà Nội và Ban Văn nghệ Thăng Long. Nhiều tiết mục kịch, hài rất hay được khán giả vỗ tay không ngớt. Do không bán vé, vào cửa tự do nên khách vào xem đông.
Những tháng nghỉ hè, 5 giờ sáng chúng tôi đã gọi nhau í ới rồi đạp xe lên hồ bơi Nghi Tàm, Quảng Bá. Thú nhất là mỗi lần đi bơi qua đường Nghi Tàm (nay là phố Tô Ngọc Vân) thấy hai bên đê toàn rặng ổi thấp, um tùm. Vào mấy tháng hè, ổi chín vàng trên cây, những quả ổi chỉ bé bằng chén hạt mít vàng ươm, rồi ổi đào, ổi mỡ ngọt lịm. Bọn tôi phân công một thằng đứng cảnh giới, còn lại trèo lên cây vặt những quả chín nhất xong cho vào may ô buộc lên xe vào hồ bơi ăn no nê.
Những ngày nghỉ Tết còn có trò du xuân. Những cặp đã có tình ý sẽ cùng nhau tổ chức đi chơi chùa Thầy, chùa Tây Sơn bằng xe đạp, mang theo cả cơm nắm muối vừng, xôi ruốc, bánh mì đi ăn trưa. Rồi trước lúc ra về thế nào cũng phải ghé qua nhà ông bà Tỏ có 3 cây táo chi chít quả. Giống táo ngày ấy quả rất nhỏ, chỉ bằng viên bi ve nhưng lại ngọt lịm. Gia đình này có kiểu bán táo không giống ai. Không cân, không đong mà đưa cho cái sào tre cứ mỗi vụt là lấy một hào. Rụng được nhiều nhặt nhiều, ít nhặt ít, xanh, chín, sâu, thối phải chịu.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, giờ đây người còn, kẻ mất, nhưng vị ngọt của những quả táo, trái ổi ngày ấy vẫn ngân nga kéo dài như hồi ức bất tận của tuổi học trò.