Trên khu đê hữu sông Ninh Cơ thuộc xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định các trạm trộn bê tông không đủ điều kiện hoạt động, vi phạm pháp luật về môi trường.
Trên đoạn ngắn đê hữu sông Ninh Cơ thuộc xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định xuất hiện hàng loạt bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông cụ thể: Trạm trộn Bê tông Thủy Nguyên, Bê tông Hà Thành…
Trạm trộn bê tông Thủy Nguyên hoạt động khi chưa đủ điều kiện pháp lý.
Các bãi tập kết vật liệu xây dựng và trạm trộn bê tông này ngày đêm các xe trọng tải lớn ra vào tấp nập, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các trạm trộn bê tông này còn nằm hoàn toàn trên hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ.
Trạm trộn bê tông Hà Thành vi phạm pháp luật về môi trường.
Qua tìm hiểu được biết UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định số 2614/QĐ-UBND ngày 28/10/2020 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan ký cho phép công ty TNHH Thủy Nguyên được tiếp tục hoạt động trạm trộn bê tông thương phẩm, bê tông nhựa, tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng tại khu đất bãi ngoài đê hữu sông Ninh Cơ thuộc xã Nghĩa Phong. Trên căn cứ tờ trình của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn số 2832/TTr-SNN ngày 20/10/2020.
Theo nội dung của quyết định này UBND tỉnh Nam Định cho phép Công ty TNHH Thủy Nguyên được tiếp tục hoạt động trong thời gian 2 năm từ tháng 10/2020 – 10/2022.
Vi phạm Luật đề điều xâm phạm hành lang đê và hành lang thoát lũ.
Cũng qua thông tin được biết công ty Thủy Nguyên thuê lại đất của Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam qua hợp đồng số 0108/2018/NĐ-TĐ ngày 01/8/2018, với diện tích 06 ha, có thời hạn 10 năm với giá là 240 triệu đồng.
Đối với công ty An Đức Phát (Bê tông Hà Thành) thì trong văn bản số 12/CV-UBND ngày 04/5/2022 của UBND xã Nghĩa Phong gửi UBND huyện Nghĩa Hưng khẳng định: Công ty An Đức Phát (Bê tông Hà Thành) đã xây dựng một số hạng mục công trình và nhà xưởng trên đất khi chưa đủ điều kiện thuê đất theo đúng quy định của pháp luật. Qua kiểm tra của UBND xã, Bê tông Hà Thành chưa thực hiện đúng cam kết với cơ quan chức năng, thục tủ hồ sơ chưa hoàn thiện.
Xe trọng tại lớn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ thống đê điều.
Cũng theo văn bản số 417/UBND-TNMT ngày 01/6/2022 của UBND huyện Nghĩa Hưng gửi UBND xã Nghĩa Phong, Bê tông Hà Thành nêu rõ: Tại thời điểm kiểm tra trạm trộn bê tông chưa có thủ tục pháp lý về môi trường; chưa xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, như: Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; Hệ thống thu gom, thoát nước thải; Bể thu gom nước vệ sinh máy móc, thiết bị vệ sinh… theo quy định.
Được biết các trạm trộn bê tông này cũng đã nhiều lần bị Chi Cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) lập biên bản vì vi phạm pháp luật về đê điều.
Để thông tin được khách quan nhóm phóng viên đã liên hệ với phía Công ty Thủy Nguyên và Công ty An Đức Phát (bê tông Hà Thành). Phía Công ty hứa sẽ cung cấp các tài liệu, văn bản liên quan. Tuy nhiên, đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía 2 đơn vị này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phong cho biết: UBND xã lập đoàn kiểm tra phát hiện các trạm trộn bê tông này chưa đủ điều kiện hoạt động nhưng xã không đủ thẩm quyền xử lý chỉ có thể làm văn bản báo cáo cấp trên.
Liên quan đến hoạt động của 2 trạm trộn bê tông này, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã làm việc với đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng cho biết: "Tôi là cán bộ đoàn mới chuyển sang đây được 2 năm. Trong 2 năm, chúng tôi đều xuống kiểm tra, giám sát và đôn đốc. Trên địa bàn xã Nghĩa Phong, Công ty Hà Thành không có pháp lý bảo vệ môi trường, còn công ty Thủy Nguyên có cam kết bảo vệ môi trường nhưng chúng tôi không được cung cấp. Theo quy định của luật, bãi ven sông thuộc địa phận xã nào thì do xã đó quản lý. Khi huyện xuống kiểm tra phía công ty không cung cấp được được các thủ tục pháp lý.
Đề nghị các cơ quan thanh tra tỉnh Nam Định vào cuộc kiểm tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Đê điều… Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước xử lý vi phạm, tiêu cực không có vùng cấm.
Theo một số tài liệu khoa học, bụi xi măng sinh ra trong quá trình sản xuất có kích thước hạt bụi rất nhỏ (nhỏ hơn 3µm) lơ lửng trong khí thải, khi hít vào phổi rất dễ gây bệnh về đường hô hấp, Đặc biệt khi hàm lượng SiO2 tự do lớn hơn 2% có khả năng gây bệnh silicon phổi, một bệnh được coi là bệnh nghề nghiệp nguy hiểm và là phổ biến nhất của công nghiệp sản xuất xi măng.
Đồng thời bụi xi măng theo gió phát tán ra xa sẽ lắng xuống mặt nước, mặt đất làm suy thoái đất trồng, ô nhiễm nguồn nước gây hại lớn cho sinh vật.