Sư cô chùa Phước Sơn (xã Lộc Trì) trao quà cho bà con người Mường ở Khe Su. |
Chúng tôi tìm về làng người Mường ở vùng đất Khe Su nằm ngay dưới chân núi Bạch Mã, huyện Phú Lộc. Bao quanh làng là những ngọn đồi bạt ngàn cao-su, rừng tràm. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Đinh Văn Giáp (50 tuổi) vẫn chưa hết ám ảnh về những ngày đầu vào đây lập nghiệp.
Ông Giáp kể, quê ông ở xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Năm 1995 ông Giáp cùng sáu thanh niên người Mường khác ở Đồng Thịnh vào các khu rừng sâu quanh đỉnh Bạch Mã để tìm trầm, mong muốn được đổi đời. Sau đó, họ quyết định ở lại lập nghiệp nơi Rẫy Làng thuộc thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Từ vài người dần hình thành nên một cộng đồng. Bên chân núi Bạch Mã, một xóm người Mường ở Huế ra đời từ đó.
Từ hai chóp lều ban đầu, cộng đồng người Mường dưới chân Bạch Mã đã tăng lên 22 hộ dân với gần 60 nhân khẩu. Khi được Nhà nước cấp đất, xây nhà, tạo điều kiện tăng gia sản xuất, đa số những hộ dân nơi đây thoát nghèo, ổn định sinh kế. Ngoài ông Hà Xuân Lâm, hộ gia đình ông Giáp ngày trước nhà cửa cheo leo trên sườn núi, đời sống khó khăn nhưng bây giờ, nhờ khai hoang, ông có trong tay 3ha rừng cho thu nhập 4 triệu-5 triệu đồng/tháng. “So với những nơi khác, thu nhập như thế không đáng là gì nhưng nếu nghĩ về ngày cũ, đối với chúng tôi đó là một quá trình cố gắng”, ông Giáp tâm sự.
Giờ đây, phía sau những ngôi nhà bê-tông được Nhà nước hỗ trợ năm nào, ngó lên thấy bạt ngàn keo tràm, phóng tầm mắt xa hơn một chút là đỉnh núi Bạch Mã mây mù giăng lối. Những dự án du lịch dưới chân núi Bạch Mã đã giúp cộng đồng người Mường hưởng lợi, đó chính là những con đường xóa sự chia cắt ngày nào. Bà con người Mường ở Rẫy Làng (tên gọi địa danh làng người Mường đang sinh sống ở Khe Su), thôn Khe Su còn bao nỗi nhọc nhằn nhưng giờ đã biết nuôi con bò, con heo, có mảnh vườn để chăm bón cây trái, biết tích cóp để xây nhà dựng cửa, ổn định cuộc sống.
Nhiều thế hệ người Mường đã đọc được con chữ, tính toán được sổ sách. So với hơn chục năm trước, với họ viết được cái tên cũng quá khó khăn thì bây giờ đó là một kỳ tích. Ông Hà Xuân Lâm nói: “Dù không có người đỗ đạt cao nhưng con em cộng đồng người Mường ở Rẫy Làng bây giờ đã tự viết được tên mình, học đến lớp 12. Nói thế nghe bình thường, thậm chí bị coi thường, nhưng với chúng tôi, sự thay đổi đó đáng để tự hào. Chúng tôi đã đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất nhờ sự giúp sức, hỗ trợ của chính quyền địa phương xã Lộc Trì. Ngoài quê gốc tại Phú Thọ, vùng Rẫy Làng này được xem là quê hương thứ hai, cưu mang cộng đồng người Mường vượt qua khó khăn”.
Thay đổi lớn nhất chính là tư duy phát triển kinh tế của người dân. Ông Lâm khoe về hàng dừa và gần 50 gốc bưởi hơn ba năm tuổi được một dự án hỗ trợ như là sinh kế để phát triển bền vững. “So với chục năm trước thì bây giờ như một trời một vực. Điện, đường, trường, trạm… đầy đủ. Người dân biết nuôi con bò, con heo để tích lũy vốn liếng, có mảnh vườn để chăm bón cây trái và khu rừng trồng keo, tràm cho thu nhập ổn định, khá lên từng ngày. Cũng chính vì thấy đất đai nơi đây màu mỡ nên chúng tôi mới chọn khai hoang, định cư. Sau nhiều năm “vật lộn” với từng tấc đất, bây giờ cũng đã cho hoa thơm quả ngọt”, ông Lâm chia sẻ.
Từ nhiều năm nay, làng người Mường ở Khe Su trở thành điểm đến của những tổ chức, con người có tấm lòng vàng, ưa thích làm việc thiện. Ở đó, những người Mường nghèo khó đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía để hòa nhập. Như một cơ duyên và sự sắp đặt, cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc-Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) đã tình nguyện đến với bà con người Mường với bao khó khăn, trẻ em thất học... Gần 20 năm nay, cô Hồng Phúc là một trong số ít người biết rõ nhất về cuộc sống khó khăn nơi “đất khách quê người” của những người bà con có quê gốc cách nơi đây hàng ngàn cây số.
Một lớp học tình thương do cô Hồng Phúc đỡ đầu, kết nối với Sư cô Hiền Thảo ở chùa Phước Sơn (xã Lộc Trì), hoạt động từ nhiều năm qua rất đặc biệt, vừa dạy xóa mù cho người lớn không biết chữ, lại vừa kiêm luôn “phụ đạo”, tổ chức lớp học cho con em người Mường, giúp cho các em học sinh phổ thông trong làng theo kịp chương trình học ở trên lớp.
Để có giáo viên, cô Hồng Phúc kết nối với bạn bè là những giáo viên ở Trường tiểu học Lộc Trì và Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Phụ đạo thêm luôn cả môn tiếng Anh và tin học, cô Hồng Phúc cho biết, ai cũng vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi cũng được biết thêm, từ nhiều năm qua, cô Hồng Phúc đã vận động thành lập “Tủ sách tình thương” với khoảng 500 đầu sách tại đây để giúp học sinh và cả người lớn tuổi có điều kiện đọc sách, chia sẻ cho nhau để nâng cao kiến thức.
Cùng với chăm chút việc học hành cho con cái họ, cô Hồng Phúc còn vận động nhiều nhà hảo tâm giúp bà con có thêm cái ăn, cái mặc. Cách đây không lâu, cô đã vận động kinh phí lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt cho các hộ gia đình của làng, đồng thời tài trợ kinh phí học tập cho con em của họ. Ai có việc nhờ vả, từ lo giấy tờ cho con đi học, đến cần tư vấn thủ tục hành chính việc mua bán, cô Hồng Phúc đều sẵn sàng giúp đỡ.
Lần đầu gặp gỡ, cô Hồng Phúc như gặp lại người quen, vồn vã mời chúng tôi cố gắng sắp xếp để về dự lễ khai trương phòng học đầu tiên cho xóm người Mường ở Khe Su vào dịp khai giảng năm học mới này. Rồi cô Phúc những kể như đang lo công việc của gia đình mình. Nào là, chuẩn bị cho việc đưa vào sử dụng phòng học mới, cô đang liên hệ với Trường tiểu học Lộc Điền để mua lại 10 bàn ghế cũ với giá rẻ. Nào là, đang tính toán đầu tư hệ thống điện, mái che, nhà vệ sinh, đổ đất tôn cao và làm con đường bê-tông dài khoảng 50m từ đường chính vào phòng học mới. Thêm nữa, lo toàn bộ sách vở học tập cho các cháu học sinh và học viên xóa mù... “Tiền mô mà làm nhiều rứa?”. Tôi hỏi, cô Hồng Phúc cười vui: “Tôi bỏ tiền túi ra trước, có chi vận động thêm. Thương bà con và các cháu học sinh ở đây lắm!”.
Hỏi về cơ duyên đến với bà con người Mường, cô Hồng Phúc cười nói, khởi đầu từ những chuyến đi làm từ thiện cả chục năm về trước ghé lại Rẫy Làng để tổ chức phát quà, vui Tết Trung thu cùng trẻ em người Mường nơi đây. Sau đó, cứ mỗi lần đến đây, y như rằng cô bị ám ảnh về những đứa trẻ da đen nhẻm, thất học, vui đùa trên triền đồi. Vậy là, cô nhân viên thư viện Hồng Phúc quyết tâm vận động giúp đỡ xóa mù và trợ giúp học hành cho các cháu. Cô Phúc nhẩm tính, hiện ở làng người Mường có 22 hộ mà đã có tới khoảng 12 người mù chữ. Còn lại, có khoảng 20 em học từ mầm non đến trung học phổ thông cần được giúp đỡ để đến trường.
Bây giờ, làng người Mường dưới chân núi Bạch Mã đã hòa nhập cùng người dân bản địa. Từ phía núi, đường sá thông thương, mọi lối đi được mở ra bên rặng cây một mầu xanh ngát, cũng như tương lai của người Mường ở Rẫy Làng-thôn Khe Su đang rộng mở từng ngày.
Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, Cái Trọng Như cho biết: “Từ khi di cư đến vùng đất Lộc Trì, cộng đồng người Mường gốc từ Phú Thọ luôn được chính quyền địa phương hỗ trợ, cấp đất rừng, đất ruộng, hỗ trợ xây nhà để ổn định kinh tế. Đời sống của họ bây giờ đã thay đổi đáng kể, hòa nhập cùng người dân địa phương. Vào các mùa lễ hội, nhất là những ngày Tết, giỗ Tổ Hùng Vương, cùng chung với cả nước, người dân tại đây cũng có những hoạt động ý nghĩa để nhớ về nguồn cội”.