Giám đốc thu trăm tỷ nay đứng bếp, bán đồ ăn online qua ngày

28/12/2020 08:08
Nói về mức độ tác động của Covid-19 tới hơn 2 triệu lao động ngành du lịch, chỉ có thể dùng 2 từ: xót xa. Chưa bao giờ lại có nhiều công ty lữ hành, hướng dẫn viên,... phải dừng hoạt động, thất nghiệp và tan tác đến vậy.

Nói về mức độ tác động của Covid-19 tới hơn 2 triệu lao động ngành du lịch, chỉ có thể dùng 2 từ: xót xa. Chưa bao giờ lại có nhiều công ty lữ hành, hướng dẫn viên,... phải dừng hoạt động, thất nghiệp và tan tác đến vậy.

Thua lỗ, ám ảnh vì không có khách

Chuyên về khách out-bound đưa người Việt đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là thị trường Nhật, thời kỳ huy hoàng của Công ty du lịchD. vụt tắt từ đầu năm nay. Nữ giám đốc công ty chia sẻ, có năm, doanh thu công ty lên tới cả trăm tỷ đồng. Mọi việc đang suôn sẻ, thuận lợi, thì bỗng dịch Covid-19 ập đến.

"Mình thì cầm cự không sao, chuyển sang tập trung tour nội địa. Xót xa nhất là không giữ được nhân viên. Họ quen làm out-bound, giờ không làm được nội địa nên nghỉ về nhà đi bán trứng, bán hàng online hết cả", vị giám đốc nghẹn lời.

Còn chị, vốn là người có tố chất kinh doanh, lại khéo tay nên sau khi cân nhắc quyết định nấu ăn bán online. Đứng bếp vất vả, dầu mỡ bám cả ngày chứ không quần là áo lượt phẳng phiu thơm tho như trước, nhưng chị yên tâm phần nào có thêm thu nhập lúc sa cơ. Công ty thì cố gắng duy trì mảng nội địa, với hơn 10 nhân viên.

Giám đốc thu trăm tỷ nay đứng bếp, bán đồ ăn online qua ngày

Thất nghiệp, nhân sự ngành du lịch chọn nấu ăn bán online (ảnh minh họa)

Chị thừa nhận, giờ thu từng đồng tiền lẻ thật "vất vả và đôi lúc thấy nản", vậy nhiều đơn vị lữ hành chuyên đón khách quốc tế vốn thu tiền đô la, Euro không biết giờ ra sao? Gặp gỡ đồng nghiệp cuối năm, thay vì hỏi nhau lời lãi, ai cũng lo lắng: Làm thế nào để sống sót, có nguồn thu nào không, có nợ nần gì không, công ty còn bao nhiêu người, giờ đang làm gì,...

Trò chuyện với PV. VietNamNet cách đây vài tháng, khi đó, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng dự báo sẽ có một làn sóng phá sảncác doanh nghiệp du lịch. Thực tế, thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, có tới 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động.

Thậm chí, nếu tình hình dịch bệnh chưa kiểm soát được, khách quốc tế vẫn chưa thể vào Việt Nam, thì tầm tháng 3/2021, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành dự báo còn có một đợt phá sản nữa khi kết thúc mùa tài chính.

Là người có 20 năm trong nghề, bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty Ascend Travel, lần đầu tiên chứng kiến đại dịch Covid-19 như một cơn bão quét sạch và ảnh hưởng vô cùng lớn tới lĩnh vực lữ hành và du lịch.

Theo bà Lan, sau đợt Covid lần 1, các đơn vị lữ hành in-bound, out-bound bị ảnh hưởng đầu tiên, nhưng cố cầm cự. Song, sau đợt dịch đợt lần 2, các doanh nghiệp này gần như đóng cửa hoàn toàn. Họ thực sự không thể gồng gánh thêm chi phí thuê văn phòng, trả lương nhân viên, đóng bảo hiểm,... một khoản khá lớn để sống sót qua ngày.

"Thực sự đau buồn khi có những khách sạn phải đóng cửa từ tháng 1 tới giờ. Có lúc muốn đưa khách tới nhưng khi khảo sát, chúng tôi thấy một mùi ẩm mốc lan tỏa toàn khách sạn, mà đây là khách sạn 3-4 sao", bà Lan ngậm ngùi. Một con số do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa đưa ra, dịch Covid-19 đã làm cho 56% cơ sở lưu trú phải đóng cửa.

Giám đốc thu trăm tỷ nay đứng bếp, bán đồ ăn online qua ngày

Tính đến tháng 8/2019, có trên 25.500 hướng dẫn viên được cấp thẻ hoạt động trong lịch vực du lịch (ảnh NLĐ)

Dừng hoạt động, chuyển qua làm việc khác mà không nợ nần vậy là vẫn còn may. Trên thực tế, có giám đốc doanh nghiệp du lịch rơi vào thảm cảnh nợ nần, nếu không nói là bế tắc.

Giới lữ hành rỉ tai nhau câu chuyện về trường hợp giám đốc một công ty chuyên kinh doanh tàu 5 sao tại vịnh Hạ Long. Thời kỳ vàng son, khách du lịch đổ về Hạ Long, đặc biệt là khách quốc tế, nên kinh doanh lãi đậm vào. Theo vòng xoáy đó, ông chủ này vay thêm nhiều tỷ đầu tư một loạt tàu du lịch 5 sao, không bao giờ nghĩ tới một thảm họa như Covid-19.

Giờ, khách không có, hoặc họa hoằn lắm mới đón được vài ba đoàn khách nội địa, thu được đồng nào hay đồng đó. Trong khi, đội tàu nằm vịnh vẫn tốn vài chục triệu mỗi tháng thuê người nạo hàu bám vào đáy tàu, thuê thủy thủ trông coi,... Nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con, có thời điểm người ta chứng kiến ông phải lẩn trốn những người cho vay.

Tan tác, xót xa

Chuyện giám đốc công ty lữ hành chuyển ngành nghề, như đi bán khẩu trang, bán nông sản, mở quán cà phê, bán hàng online, thậm chí làm những nghề tưởng chừng như không bao giờ nghĩ tới như bán thiết bị đồ nội thất, đứng bếp nấu ăn, bán trà sữa, bán bia... là bình thường như "cân đường hộp sữa" trong thời Covid.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel, cho hay, các doanh nghiệp lữ hành đành chấp nhận "sống chung với lũ", nay thị trường có khách thì làm du lịch, mai dịch bệnh khách không đi nữa thì quay sang làm nghề tay trái.

Người đứng đầu công ty còn vậy, huống hồ là đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên... Giờ ra đường, không hiếm khi bắt gặp hướng dẫn viên chạy Grabbike, đi bán hàng online, chạy bàn ăn, quán cà phê, về quê trồng rau nuôi gà,..

Giám đốc thu trăm tỷ nay đứng bếp, bán đồ ăn online qua ngày

Không có khách, hướng dẫn viên thất nghiệp cả loạt (ảnh minh họa)

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung là một ví dụ. Chồng làm hướng dẫn viên tiếng Trung, vợ mở đại lý vé máy bay. Dịch bệnh bùng phát, anh Trung thất nghiệp, đại lý của vợ đóng cửa. Anh chị mới mua được nhà chung cư trả góp, vẫn đang nợ 600-700 triệu đồng. Con đang học trường tư, thu nhập giảm đột ngột buộc anh chị phải chuyển con sang học trường công. Giờ anh chạy xe ôm công nghệ, chị mở quán bún, chi tiêu thắt lưng buộc bụng mà chưa biết bao giờ mới trả xong khoản nợ lơ lửng trên đầu.

Có hàng nghìn hướng dẫn viên như anh Trung, đặc biệt là hướng dẫn viên tự do, mất việc. Trong khi đó, hỗ trợ của Chính phủ theo gói 62.000 tỷ chỉ đến được hơn chục hướng dẫn viên, theo một thống kê của Sở Du lịch TP.HCM. Số còn tại bơ vơ, tan tác.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền trước mắt là vậy, song, như nhiều giám đốc doanh nghiệp du lịch khác, bà Dương Mai Lan thực sự lo lắng, trăn trở về tương lai khi du lịch hồi phục, lấy đâu ra nhân lực để đáp ứng, đặc biệt là vấn đề chất lượng nhân lực.

Bà Lan dẫn chứng kể, hồi tháng 6, khi Ascend Travel đưa đoàn khách đến một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng nhận phòng. 1h30 khách tới mà mất 1 tiếng rưỡi mới nhận được phòng cho cả đoàn, tức 3h chiều. Trong khi, quy mô đoàn khách chỉ 80 người. Phía khách sạn sạn giải thích rằng do tháng 5, 90% nhân sự của khách sạn đã tạm nghỉ việc, về quê nên chưa kịp đi làm, hoặc họ không đi làm nữa.

Vì thế, bà Lan luôn nhắn nhủ nhân viên: Trong khó khăn, hãy duy trì lấy một nghề. "Một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Hãy yêu nghề, giữ lấy nghề, tránh để mai một.

"Ngoài làm thêm để duy trì cuộc sống, đừng nản chí, buông xuôi mà hãy giữ tư duy tích cực, dành thời gian nâng cao nghiệp vụ, chuẩn bị tâm thế để ngay lập tức có thể đón lượng khách bùng nổ sau dịch. Các doanh nghiệp cũng nên đổi mới chính mình, tránh để đứt gánh để khi hoạt động trở lại không gặp trục trặc. Đừng vội vã bỏ nghề vì du lịch vẫn còn đất khai thác, cung ứng dịch vụ. Bởi thực tế chứng minh, chỉ cần kích cầu, 2-3 tuần sau là du lịch ấm lại", bà Lan chia sẻ.

Theo Hà YênVietnamNet

Theo Nguồn dantri.com.vn

Giám đốc thu trăm tỷ nay đứng bếp, bán đồ ăn online qua ngày - Đời Sống