Hội làng Nhân Thọ (xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) diễn ra vào ngày 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch.
Ngoài phần lễ trang trọng, hội làng nơi đây còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian độc đáo.
Năm nay, lễ hội làng Nhân Thọ có rất nhiều hoạt động phong phú, kết hợp hài hòa giữa lễ và hội, giữa cổ truyền và hiện đại. Về phần lễ có các nghi thức như: Viếng nghĩa trang liệt sỹ, rước thần tổ, rước văn, dâng hương, tế nam quan, nữ quan...
Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi thể thao được dân làng tổ chức như: Bóng chuyền, bơi chải, cờ tướng, tổ tôm, cầu lông, kéo co, leo cầu ngô.
Lễ hội tưởng nhớ, tạ ơn Chân Nương Cung Phi Hoàng Hậu.
Độc đáo nhất lễ hội là màn thi 5 giải truyền thống: Giải thóc, giải nước, giải lửa, giải cá, giải trứng và phần thổi cơm thi, chế biến cỗ thờ với sự tham gia của 4 khu vực dân cư trong làng (giáp Tây Thành, giáp Bắc Thành, giáp Trung Thành và giáp Nam Thành).
Các vận động viên thuộc đội chạy 5 giải truyền thống sẽ phải chạy quãng đường 3km với tốc độ nhanh nhất, vượt sông sau đó lấy nước, lấy thóc, mò trứng, bắt cá.
Đặc biệt, với môn thi lấy lửa, sau khi các vận động viên chạy 3km sẽ phải lội qua sông và trèo lên cây chuối cao từ 3,5 - 4m. Các cây chuối đều được bóc lớp vỏ ngoài để lộ ra thân cây trơn bóng. Dưới gốc chuối được phủ lớp bùn xung quanh. Sau khi vận động viên trèo lên đến ngọn sẽ châm lửa từ đài lửa.
Sau khi hoàn thành các lượt thi chạy 5 giải tượng trưng cho việc đi tìm sản vật, báu vật để kính tế Thánh Mẫu thì cuộc thi chế biến, làm cỗ mới bắt đầu. Mỗi giáp cử ra 5 thành viên giỏi nhất của mình để làm 2 mâm cỗ chay và mặn gồm 16 món ăn cổ truyền trong thời gian 40 phút.
Tất cả các loại thực phẩm đều được ban trọng tài giám sát, kiểm tra đảm bảo trước thi đấu. Khi trọng tài phát hiệu lệnh, các đội thi đấu mới được chế biến. Khi chế biến, các món ăn phải đảm bảo chất lượng cũng như hình thức đẹp, đúng quy cách cuộc thi đề ra.
Giáp nào hoàn thành trước sẽ phất cờ báo hiệu, đồng thời niêm phong mâm cỗ, chờ các đội còn lại hoàn thành rồi cùng nhau rước cỗ vào đền để dâng kính tạ ơn Thánh Mẫu cùng các vị Thành Hoàng làng.
Lễ hội có phần thi thổi cơm độc đáo, làm mâm cỗ dâng cúng Thánh Mẫu và các vị Thành Hoàng làng.
Làng Nhân Thọ khi xưa có tên là Hoành Vực, có lịch sử gần 300 năm phát triển. Ngôi làng này theo truyền thống đạo Phật, lấy đạo hiếu ghi ơn làm đầu.
Làng có đền Thần Hoàng là nơi thờ cúng, tưởng nhớ các vị anh hùng có công với dân tộc, với quê hương đất nước như Đông Hải Đại Vương (Đoàn Thượng Tướng Công), Nam Hải Đại Vương (Thục An Dương Vương), Chân Nương Cung Phi Hoàng Hậu và các vị Thủy Tổ có công khai khẩn đất đai.
Cứ 2-3 năm một lần, hội làng được tổ chức để tưởng nhớ, tạ ơn Chân Nương Cung Phi Hoàng Hậu - người đã có công giúp đỡ dân làng Hoành Vực cùng nhiều làng xã thuộc phủ Thiên Trường xưa vượt qua đói khát do thiên tai, địch họa.
Theo dân gian truyền lại, Chân Nương Cung Phi Hoàng Hậu đã dạy dân làng biết lấy lễ nhượng làm đầu, lấy nông tang làm gốc, truyền dạy cho dân nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, thêu ren tạo ra hàng hóa phục vụ hoàng cung và xã hội.
Chân Nương Cung Phi Hoàng Hậu được dân làng Hoành Vực tôn xưng làm mẹ. Sau khi bà qua đời, nhà vua đã sắc chỉ cho làng Hoành Vực lập miếu thờ và tôn xưng bà là Thánh Mẫu.
Lễ hội truyền thống làng Hoành Vực xưa kia cũng như Nhân Thọ ngày nay gắn liền với sự tích Thánh Mẫu. Ngày 16 tháng Giêng là ngày sinh của bà, lễ hội nấu cơm thi diễn ra vào ngày này để tưởng nhớ tạ ơn Thánh Mẫu.
Các đội bơi chải tham gia tranh tài vào ngày 15 âm lịch.
Các vận động viên thuộc đội chạy 5 giải truyền thống sẽ phải chạy quãng đường 3km với tốc độ nhanh nhất sau đó vượt sông lấy nước, lấy thóc, mò trứng, bắt cá.
Đội nào có chai nước đầy nhất sẽ giành chiến thắng.
Phần thi trèo cây chuối luôn tạo ra sự gay cấn, hồi hộp.
Vận động viên nào lấy được lửa trước sẽ giành giải nhất lấy lửa.
Lửa nấu cơm được lấy từ đền thánh.
Trong vòng 40 phút các đội phải xay thóc, giã giò, nấu cơm và làm các phần cỗ chay, cỗ mặn.
Cá cũng được các đội tranh tài bắt từ dưới sông.
Các mâm cỗ sẽ được đưa vào đền để dâng kính tạ ơn Thánh Mẫu cùng các vị Thành Hoàng làng.
Các mâm cỗ sau khi hoàn thành.