Nối dài hành trình không ngừng khám phá thế giới và làm mới bản thân, Trương Anh Ngọc tiếp tục truyền cảm hứng “lên đường” tới bạn đọc. Trong cuốn sách mới của mình, anh có cả ngàn lẻ một lý do để bắt đầu một hành trình: Đi khi người lạ nhắn: “Nhà tôi là của bạn”; đi khi ta phải lòng những nơi chưa từng tới; đi khi lần đầu tiên không có bố mẹ ở bên; đi khi ta có một chiếc xe lang bạt; đi khi ở sau vô lăng và nhìn từ cửa sổ xe hơi; đi khi con gái tặng cuốn sách…
Mỗi một chuyến đi, với Trương Anh Ngọc, là một trải nghiệm vô giá. Dù chuyến đi ấy có buồn hay vui, thành công hay thất bại, thậm chí có mệt mỏi, chán chường thì mỗi một điểm anh dừng chân, mỗi con người anh đã gặp, mỗi khoảnh khắc anh đã trải qua đều lưu giữ những kỷ niệm không lặp lại trong đời.
Một câu hỏi muôn thuở từ nhiều độc giả trẻ “Tiền đâu mà đi?” đã được Trương Anh Ngọc trả lời trong cuốn sách của mình. Tiền chưa bao giờ là vấn đề quan trọng nhất trong các chuyến đi, mà chỉ là một công cụ và là khâu cuối cùng của việc hiện thực hóa giấc mơ đi. Bạn có thực sự đam mê được đi, bạn có thực sự khao khát được đi? Đam mê và khao khát sẽ dẫn lối bạn đến với sự dũng cảm từ bỏ không gian quen thuộc để dấn thân vào hành trình lên đường.
Buổi lễ ra mắt sách "Đi khi ta còn trẻ" tại Hà Nội.
Bởi thế, để đi, ngoài việc lao động để kiếm tiền và học cách tiết kiệm tiền thì còn cần phải trang bị rất nhiều kỹ năng. Từ việc rèn luyện sức khỏe, trau dồi ngoại ngữ đến các kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng tìm kiếm thông tin và lên lịch trình, kỹ năng bám đoàn nếu đi theo nhóm… Thậm chí cả kỹ năng luôn giữ cho mình tràn đầy năng lượng tích cực để sẵn sàng đối mặt với những rủi ro bất ngờ, như chuyến bay bị trì hoãn vì một cơn bão tuyết, hành trình bị gián đoạn bởi đường sửa chưa xong, bị mất trộm tiền hay thất lạc đồ…
“Đi, là điều duy nhất mà bạn mua khiến bạn trở nên giàu có. Sự giàu có ấy không tính bằng tiền được, bởi nó là vốn sống, tri thức, sự mở mang đầu óc, những mối quan hệ mới mẻ bạn có thể có được sau những hành trình” - nhà báo Trương Anh Ngọc khẳng định. Thế nên, Trương Anh Ngọc không chỉ cổ vũ thanh niên “đi khi ta còn trẻ”, mà anh còn chia sẻ kinh nghiệm “đi khi ta về già” với những độc giả lớn tuổi.
Dẫu đi gần hay xa, đi có đôi, một mình hay khi có con nhỏ, đi khi có thu nhập ổn định hay khi chưa có nhiều tích lũy, thì hãy đi khi có thể để nhìn thấy thế giới bao la rộng lớn đến nhường nào. Cuốn sách của Trương Anh Ngọc đã truyền cảm hứng lên đường theo cách như thế.