'Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn nữa'

22/08/2022 19:59
TP HCM - Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng chỉ khi lắng nghe, cha mẹ mới hiểu tâm tư tình cảm, khổ đau của con, từ đó tháo gỡ bế tắc.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ - và GS.TS Thái Kim Lan (trở về từ Đức) là diễn giả tọa đàm "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng", chiều 21/8, trực tiếp trên Fanpage VnExpress và Fanpage chùa Giác Ngộ. Chương trình nằm trong khuôn khổ "Việt Nam ước mong" - chuỗi hoạt động vì trẻ yếu thế.

'Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn nữa'

Từ trái qua: Giáo sư Thái Kim Lan, Thượng tọa Thích Nhật Từ và MC - thầy Quảng Tịnh. Ảnh: Nhật Thực

Theo Thượng tọa Nhật Từ, lắng nghe là phẩm tính, năng lực có sẵn ở mỗi người và là sự truyền thông, qua bốn cách: lời nói; chữ viết; ngôn ngữ cơ thể và các dấu hiệu, biểu tượng... Nếu phụ huynh, người lớn, thế hệ đi trước học được năng lượng lắng nghe, có thể giúp trẻ tránh được các tình huống đau lòng.

Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh không thể thấu hiểu, cảm thông con và không phải trẻ nào cũng dễ dàng bày tỏ nỗi lòng với cha mẹ, người xung quanh... Thượng tọa chỉ ra hai nguyên nhân cản trở khả năng lắng nghe giữa cha mẹ và con cái. Đầu tiên là do bản ngã, nhận thức, thái độ quan trọng hóa chính mình, nhiều trẻ không muốn nghe cha mẹ nói và cho rằng bản thân đang bị áp đặt.

Thứ hai, nhiều phụ huynh máy móc và đơn giản hóa tình thương dành cho con là "cơm, áo, gạo, tiền", quy đổi thành vật chất. Không ít cha mẹ quan niệm yêu là cho con ăn ngon, mặc đẹp, cung cấp mọi thứ bé cần, cho đi học trường quốc tế... mà không thực sự thấu hiểu trẻ cần gì. Từ đó họ đánh mất dần cơ hội lắng nghe con, yêu cầu con cái phải nghe lời mình.

Sư Nhật Từ kêu gọi người lớn hãy lắng nghe bằng năng lượng quán chiếu để thấy sự cô đơn, trống vắng bên trong con, sau vẻ ngoài có phần bất cần, tỏ ra mạnh mẽ. Đứa trẻ nào cũng mong được quan tâm, muốn cha mẹ dành thời gian lắng nghe, hiểu, trợ giúp, trị liệu và tháo gỡ bế tắc...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho con quyền tự quyết về môn học, ngành học, công việc, yêu đương, hôn nhân và nhiều phương diện khác. Đồng thời hãy gần gũi, quan sát cử chỉ, sắc mặc, biểu cảm của trẻ để rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ với con cái.

Thượng tọa dẫn chứng nhiều trường hợp tỏ ra thất vọng, cho rằng con bất thường, bị người khác lôi kéo... khi con giãi bày bản thân thuộc cộng đồng LGBT. Không ít thanh niên chọn lối sống khép kín, tách biệt với gia đình..., thậm chí trầm cảm, lựa chọn kết thúc tiêu cực vì không được cha mẹ chấp nhận giới tính.

"Áp đặt quyền lựa chọn giới tính của mình lên con em, phụ huynh vô tình tạo thêm khổ đau và vấn nạn cho con, khiến trẻ dần mất sự tương tác, thu mình lại trong thế giới riêng", thầy Nhật Từ nói và nhận định nguyên nhân chính là cha mẹ không hiểu, chưa có kiến thức về cộng đồng LGBT. Cần thừa nhận sự khác biệt, tôn trọng quyền bình đẳng và ủng hộ con. Trụ chì chùa Giác Ngộ nhấn mạnh chúng ta không thể thay đổi được giới tính con vì đó không phải bệnh lý hay thái độ sống. Cần thừa nhận với tâm hoan hỷ, chứ không phải bất đắc dĩ, chịu đựng.

'Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn nữa'

Theo thầy Nhật Từ, đừng để khoảng cách thế hệ, sự khác biệt giữa cha mẹ với con cái trở thành cú sốc văn hóa. Đồng thời cần thừa nhận tất cả sự dị biệt, miễn nó có ích và không chặt đứt sự truyền thông hai chiều. Ảnh: Nhật Thực

Có nhiều cách để cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu con. Trước tiên là dành thời gian tâm sự cùng con, chú trọng sự tương tác qua đôi mắt. Thượng tọa lý giải phụ huynh cần nhìn thẳng vào mắt con khi trò chuyện, không nhìn qua trái hay qua phải. Trẻ sẽ cảm nhận được sự quan sự quan tâm, dấu hiệu tình yêu thương của người lớn.

Trong các cuộc tiếp xúc, cha mẹ cần hạ thấp mình xuống (cả nghĩa đen lẫn bóng) để sự tương tác trở nên gần gũi, thân mật, đôi bên dễ giãi bày tâm sự. Con cái không nên so sánh cha mẹ mình với người khác, tương tự, phụ huynh cũng không được lạm dụng khái niệm "con nhà người ta" với con mình, không ép trẻ phải học giật huy chương vàng, giỏi giang... như trẻ nhà khác.

Phụ huynh cũng cần lưu ý thái độ, cử chỉ vui vẻ, nụ cười... xuyên suốt cuộc trò chuyện. Nếu cha mẹ liên tục la hét, gằn giọng, đập bàn, xô ghế, hù dọa... trẻ sẽ sợ hãi, không dám tương tác.

Bên cạnh đó, thầy Nhật Từ khuyên cha mẹ nên chủ động, gợi ý để con tương tác với mình qua những câu hỏi đơn giản, vui vẻ mà không mang tính chất điều tra như: "Hôm nay con học có vui không? Con và bạn bè kể chuyện gì vui? Bài tập có khó không? Có ai bắt nạt con không?... Với trẻ không giỏi diễn đạt, thường ấp úng, hồi hộp, lo lắng, căng thẳng, bất an... mỗi khi đối diện người lớn, cha mẹ cần thường xuyên tâm tình, quan tâm, giúp con mạnh dạn chia sẻ tâm tư tình cảm, phản biện xã hội để thành công trong hiện tại và tương lai.

GS.TS Thái Kim Lan cũng đồng tình với quan điểm của Thượng tọa Thích Nhật Từ. Bà đánh giá cao tính nhân văn của chương trình Việt Nam ước mong và ấn tượng tài năng hội họa, cách thể hiện tiếng nói của trẻ yếu thế. Giáo sư cũng ấn tượng với nội dung tọa đàm - "Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng", nhiều ý nghĩa trên các phương diện - từ xã hội, tâm lý đến tôn giáo...

Bà nhận định lắng nghe, trò chuyện với con bằng thái độ nhẹ nhàng, ánh mắt trìu mến là một cách trị liệu, chữa lành, hiểu tâm tư tình cảm của con. Cha mẹ cần quan sát bằng mắt lẫn trực giác, lưu tâm mỗi khi con có triệu chứng sốt, không ăn, không chơi, buồn... để ngăn chặn những tổn thương tâm lý, bệnh lý tinh thần ngày một tăng. Đồng thời không áp đặt con cái, xem chúng bản sao của mình, yêu cầu trẻ phải xuất sắc hay thành công. Hãy để con được là chính mình, tự do phát triển là thông điệp Giáo sư Kim Lan muốn gửi đến các bậc phụ huynh.

Bà Thái Kim Lan sinh ở Huế, từng là Giáo sư Triết học trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế (1964-1965). Năm 1965, bà du học với học bổng của Viện trao đổi hàn lâm Đức (DAAD). Từ năm 1978 đến 2007, bà là giảng viên Triết học so sánh Đông - Tây tại Đại học Ludwig-Maximilian Universität, München. Bà viết các cuốn Tuyển tập văn học Đức - Việt về B. Brecht và Hermann Hesse(tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Dẫn nhập triết học siêu nghiệm của I. Kant vào Việt Nam(2004), In einem kälteren Land - Lạnh hơn xứ mình (Tập thơ song ngữ Đức - Việt)... Đồng thời là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo, ký sự, tùy bút... và xuất bản ba quyển sách nấu ăn best-seller (Indonesisch Kochen, Kochen mit dem Wok, Chinesisch Kochen) của nhà xuất bản chuyên về ẩm thực và sức khỏe Gräfer & Unzer - München, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

'Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn nữa'

Khách mời Nguyễn Mai Anh nói về hành trình vượt bệnh bại não vươn đến giấc mơ đại học. Ảnh: Trần Công Hậu

Ở phần sau tọa đàm, ban tổ chức trò chuyện với gia đình Nguyễn Mai Anh - cô gái đến từ Phú Thọ, 20 năm đối mặt bệnh bại não, đậu Đại học Luật Hà Nội, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bệnh nhi.

Trước đó, ca sĩ Trúc Nhân trình diễn nhạc phẩm Nếu một mai tôi bay lên trời (Hứa Minh Tuyền sáng tác), Lớn rồi còn khóc nhè (Nguyễn Hải Phong) và Vẽ (Phạm Toàn Thắng). Trúc Nhân cũng ủng hộ chương trình 50 triệu đồng. Ban đạo ca Hòa Âm thể hiện Vì trẻ em không bị bỏ rơi (Thượng tọa Thích Nhật Từ sáng tác).

'Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn nữa'

Trúc Nhân nhận tràng pháo tay lớn khi trình diễn ba nhạc phẩm. Ảnh: Nhật Thực

"Việt Nam ước mong" diễn ra từ 22/7 đến 31/8, gồm các hoạt động: triển lãm tranh (tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ); Lễ cầu siêu cho trẻ không may mắn; chuỗi talkshow xoay quanh chủ đề chữa lành tâm hồn, thể xác. Ban tổ chức còn trưng bày, bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 họa sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân... Toàn bộ tiền thu được sẽ hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Hoạt động do chương trình Ông Mặt trời (do ông Minh Nhân sáng lập) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Trường Đại học Ngoại thương, Quỹ Hy Vọng, Quỹ Mái ấm hạnh phúc, Truyền hình Quốc hội, tổ chức.

Thi Quân

Theo vnexpress.net

'Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn nữa' - Giáo Dục