Khi con cái phạm lỗi, việc cha mẹ nổi nóng và quát mắng con là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng kiêm tác giả cuốn Peaceful Parent, Happy Kids: How to Stop Yelling and Start Connecting: "Quát mắng là cách giải tỏa sự tức giận nhưng đó không phải cách hiệu quả để thay đổi hành vi".
Ảnh minh họa
Khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang chế độ chống trả hoặc bỏ chạy, khóc lóc. Lúc đó trẻ chỉ nghĩ đến việc bản thân chúng đang bị tổn thương. Các vùng trung tâm học tập của não bộ sẽ đóng lại. Và thế là trẻ không tiếp thu được những lời cha mẹ dạy. Việc giáo dục con cái của phụ huynh trở nên vô nghĩa.
Do đó, khi gặp tình huống này, cha mẹ cần cho trẻ 1 khoảng thời gian suy ngẫm, hãy ngừng tranh luận, giữ khuôn mặt nghiêm và đừng quan tâm đến hành vi của trẻ.
Trong trường hợp trẻ nằm lăn ra sàn khóc dù ở bất cứ đâu, thay vì kéo trẻ dậy ngay lập tức, cha mẹ hãy chờ cho đến khi trẻ khóc xong, để cảm xúc của trẻ được giải tỏa hết.
Giáo dục con trước mặt nhiều người
Khi con mắc lỗi, nhiều cha mẹ thường la mắng con ngay lập tức mà không chú ý đến những người xung quanh. Đôi khi, cha mẹ cũng muốn dạy dỗ con nơi đông người để thể hiện mình là những phụ huynh nghiêm khắc, biết cách giáo dục con cái.
Nếu giáo dục con trước mặt nhiều người, tâm trạng của trẻ sẽ bị tác động vô cùng tiêu cực. Khi con bị mắng trước mặt người khác, chúng sẽ cảm thấy xấu hổ, mất tự tin ở bản thân.
Đặc biệt với trẻ trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, việc bị chê bai trước mặt nhiều người khiến “cái tôi mới lớn” của trẻ bị tổn thương.
Đứng cao hơn và chỉ tay vào mặt trẻ
Tư thế khi nói chuyện với con là yếu tố quan trọng nhưng nhiều cha mẹ thường không chú ý khi dạy con. Sự thật là đứng cao hơn hoặc ngồi thấp hơn trẻ là những tư thế không tốt để giải tỏa cảm xúc của trẻ, đặc biệt nếu cha mẹ có hành động chỉ ngón tay vào mặt trẻ.
Cái chỉ tay giống mệnh lệnh của người lớn đối với trẻ. Đó không chỉ là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng mà còn thể hiện tư duy áp đặt của cha mẹ trong giáo dục con cái.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia giáo dục, khi trò chuyện, giải quyết các vấn đề với trẻ, cha mẹ nên ngồi hoặc đứng ngang tầm mắt trẻ. Đặc biệt là khi trẻ tức giận hay quấy khóc, việc giao tiếp bằng mắt giúp trẻ bình tĩnh hơn, trẻ lắng nghe cha mẹ nhiều hơn.
Liên tục dọa nạt nhưng không thực hiện
Khi con không nghe lời, cha mẹ thường có kiểu dọa nạt, chẳng hạn như không cho con xem điện thoại, cắt tiền tiêu vặt của con,... Tuy nhiên, hầu như các bậc phụ huynh đều không thực hiện hình phạt như đã nói trước đó. Sau nhiều lần, trẻ sẽ nhận ra rằng cha mẹ không thực sự nghiêm khắc với những lời đe dọa đó.
Ngoài ra, một cách thường được nhiều phụ huynh Việt Nam sử dụng để dọa con là dọa “gọi công an bắt con” hay dọa “bán con cho đồng nát”,... Những câu nói có phần đùa vui của người lớn có thể vô tình gieo giắc nỗi sợ, sự tự ti của trẻ khi gặp các đối tượng kể trên.
Vì vậy, khi giáo dục con cái, cha mẹ nên nhất quán trong lời nói, không nên dọa suông. Cách dạy trẻ nhất quán sẽ giúp con ghi nhớ lời dạy của cha mẹ và cải thiện hành vi của mình.
Đánh con
Tiến sĩ George Holden, Chủ tịch Khoa Tâm lý học, Đại học Southern Methodist giải thích, ngày bé nhiều người từng nhiều lần bị bố mẹ đánh đòn nên cho rằng đây là cách đúng đắn trong việc nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, đánh đòn không thay đổi hành vi của trẻ. Nó chỉ khiến đứa trẻ sợ hãi, tạm thời dừng lại hành vi của mình nhưng không dạy trẻ phải làm gì tiếp theo.
Ảnh minh họa
Thậm chí, khi trẻ bị đánh thường xuyên, chúng sẽ trở nên “lì đòn” và không hề sợ hãi. Nghiêm trọng hơn, tinh thần của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đứa trẻ được dạy dỗ bằng đòn roi dễ nảy sinh cảm giác tổn thương, bất công, oan ức và ngày càng xa cách cha mẹ.
Trong một số trường hợp, việc đánh con có thể khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng, nếu chẳng may cha mẹ đánh vào các khu vực nguy hiểm.
Không biết điểm dừng khi giáo dục trẻ
Đôi khi chính cha mẹ cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình khi giáo dục con cái, nhất là với lỗi sai nghiêm trọng của trẻ. Nhiều người thường chì chiết hay nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của trẻ ngay cả khi trẻ đã nhận ra sai lầm và hứa sẽ sửa đổi.
Phải liên tục nghe lời cằn nhằn, nhắc nhở của cha mẹ sẽ khiến trẻ khó chịu, dễ nảy sinh tâm lý chống đối, đỉnh điểm là cố làm ngược lại để ''thách thức'' phụ huynh.
-> Nên cho trẻ tiền tiêu vặt ở độ tuổi nào?
Phương Anh